Đặt thời hạn khai tử xe máy
Cả Hà Nội và TP HCM đều khẳng định sẽ đưa ra lộ trình hạn chế và tiến tới khai tử xe máy với những giải pháp đồng bộ
UBND TP Hà Nội vừa tham vấn ý kiến của người dân, các nhà chuyên môn đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND TP về tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030 (dự thảo nghị quyết). Nội dung nổi bật của dự thảo nghị quyết này là TP Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030.
Thu hồi và hỗ trợ
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, cho hay đến năm 2030, Hà Nội hoàn toàn có đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân bằng đường sắt đô thị, xe buýt, xe buýt nhanh (BRT)… “Ngoài ra, lộ trình hạn chế xe máy cũng khá đủ để người dân làm quen, thích ứng. Vì vậy, tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đề ra mà không làm ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân” – ông Viện khẳng định và cho biết thêm: Người dân sẽ được khuyến khích chuyển đổi phương tiện; khi thu hồi phương tiện cũ, TP cũng sẽ có chính sách hỗ trợ người dân.
Cũng theo ông Viện, ngoài xe máy, ô tô cũng sẽ được quản lý bằng 2 biện pháp: hành chính và kinh tế. Chẳng hạn như cấm lưu thông tại một số khu vực, thu phí ra vào, dừng đỗ tại khu vực trung tâm cao hơn… Đặc biệt, sẽ khống chế số lượng ô tô sử dụng để kinh doanh cho phù hợp với thực tế hạ tầng. “Loại hình xe hợp đồng điện tử như: Grab, Uber sẽ đưa chung vào quy hoạch taxi, chịu sự quản lý như taxi” – ông Viện nói.
Hà Nội và TP HCM đang đẩy nhanh việc hoàn thiện dự thảo hạn chế xe máy theo lộ trình tiến đến khai tử Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cuối cùng, ông Viện nhấn mạnh Hà Nội đang phải đối diện với tình trạng ùn tắc giao thông và mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Do đó, đề án ra đời vào thời điểm này là rất cần thiết và phù hợp.
Trả lời Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP HCM, cho biết hiện TP đã giao nhiệm vụ cho cơ quan chức năng nghiên cứu lộ trình hạn chế xe máy nhưng hơi chậm nên TP đang đẩy nó lên. Vừa rồi, Thành ủy giao cho UBND TP và UBND TP giao cho Sở GTVT nghiên cứu, trình Thường vụ Thành ủy nghe một lần nhưng chưa đạt yêu cầu nên đang làm lại.
Giãn dân và xin cơ chế đặc thù
TP HCM đang tính toán một cách căn cơ, bài bản nhất để lộ trình hạn chế xe máy đến lúc khai tử không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân; để phương tiện công cộng phủ kín một cách phù hợp và hiệu quả.
Còn Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng tháo gỡ “điểm nghẽn” về giao thông, ai cũng muốn làm nhưng tiền ở đâu ra mới là chuyện phải bàn. “Kế hoạch phát triển giao thông công cộng thì lớn nhất là tàu điện ngầm, tất cả tuyến sẽ tiêu tốn khoảng 38 tỉ USD, TP cũng phải cân đối vốn để đáp ứng yêu cầu chứ không còn cách nào khác. Ngoài ra, mỗi người dân cũng phải đóng góp vào chính sách chung của TP để làm cho giao thông ngày càng cải thiện hơn” – ông Hải bộc bạch.
Cũng theo ông Hoàng Trung Hải, ngoài vấn đề đầu tư cho hạ tầng đường sá, các giải pháp được cho là căn cơ hơn cần triển khai là mở rộng diện tích, điều chuyển bớt, giãn dần dân cư ra ngoại thành… Trong đó, giải pháp giãn dân ra ngoại thành được đặc biệt chú trọng. “Muốn đưa dân ra ngoại ô cũng phải rót tiền, phải mở rộng cơ sở hạ tầng ra thì mới kéo người ra được chứ cứ hô hào nhưng ngoại thành trống trơn cơ sở hạ tầng thì ai ra. Đó là còn chưa kể có cơ sở hạ tầng rồi thì cũng còn phải xây dựng thói quen thì người dân mới giãn ra ngoài chứ không ai tự nhiên muốn ra ngoại thành ở cả” – ông Hải trăn trở.
Từ trăn trở trên, ông Hải khẳng định muốn giãn được dân thì Hà Nội phải đẩy nhanh 5 khu đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn). Ông Hải phân tích không ít nhà đầu tư đưa ra các ý tưởng nhưng quy trình đầu tư, các thủ tục để có thể tiến hành cũng rất lâu, mỗi dự án cũng phải khoảng… 10 năm. “Mong muốn của lãnh đạo TP là muốn làm nhanh những dự án này vì sức ép thực tế đã rất lớn. Vì vậy, Hà Nội muốn có một cơ chế đặc thù để có thể thúc đẩy nhanh các dự án, giải quyết nhanh được những điểm nghẽn về thủ tục vì đây đều là những dự án gần như là… cấp cứu, nếu không giải quyết ngay thì không đáp ứng được những nhu cầu đang rất cấp bách, bức xúc” – Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Hoàng Trung Hải kiến nghị.
Chủ ô tô phải mở tài khoản điện tử
Để quản lý số lượng phương tiện giao thông, Hà Nội dự kiến thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: lập quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi đến năm 2030, lộ trình thực hiện 2017-2020. Với taxi và các phương tiện hoạt động kinh doanh tương tự taxi (xe Uber, Grab…), TP cấp hạn ngạch phù hợp với điều kiện giao thông và năng lực của kết cấu hạ tầng. Với ô tô điện, Hà Nội yêu cầu rà soát, nghiên cứu đưa ra số lượng phương tiện hoạt động theo khu vực trên địa bàn toàn TP phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông.
Dự thảo đề xuất chủ sở hữu ô tô phải mở tài khoản điện tử và lắp thiết bị phụ trợ để phục vụ quản lý phương tiện và điều tiết giao thông (thiết bị thu phí tự động…); thiết lập cơ chế tính giá dịch vụ trông giữ phương tiện theo hướng lũy tiến theo giờ và tăng mạnh vào khu vực trung tâm, lập Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP…
Theo nld.com.vn