Mã độc tấn công dồn dập, VNPT tung F-Secure bảo vệ miễn phí cho khách hàng dùng Internet 12 tháng
Đại diện VNPT và đại diện hãng bảo mật F-Secure đến từ Phần Lan chia sẻ nguy cơ về an ninh mạng và khả năng bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ FiberVNN |
Ngày 28/6/2017, VNPT chính thức ra mắt “Giải pháp Internet mới” với chế độ bảo mật tốt hơn, tốc độ cao – truy cập ổn định và dung lượng không giới hạn cho khách hàng trong thời đại của vạn vật kết nối (Internet of things) và trở thành nhà mạng đầu tiên cung cấp gói bảo mật cho thuê bao Internet cáp quang.
Khái niệm Internet an toàn (Secure Internet) lần đầu tiên được đưa ra và duy nhất ở thời điểm hiện tại chỉ có VNPT cung cấp (dịch vụ bảo mật cho người dùng Internet đến từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông). Theo đó, đến với “Giải pháp Internet mới” (hay Internet an toàn) của VNPT, khách hàng sẽ được sử dụng Internet chất lượng cao kèm theo phần mềm bảo mật toàn diện F-Secure SAFE.
F-Secure SAFE có các tính năng chính như: Diệt virus, Trojan, Spyware, ransomware; Bảo vệ trẻ em khỏi những trang web, nội dung không lành mạnh; Quản lý thời gian sử dụng thiết bị phù hợp với trẻ. Đặc biệt, dịch vụ bảo mật này còn hữu hiệu với những khách hàng thường xuyên sử dụng online banking và giao dịch trực tuyến. Trong trường hợp thất lạc thiết bị di động, phần mềm F-Secure SAFE có tính năng định vị hoặc cung cấp công cụ để khách hàng xoá dữ liệu/ khoá máy với mật khẩu được cài sẵn để người lạ không thể mở và sử dụng.
Dịch vụ F- Secure được bán cùng dịch vụ băng rộng của VNPT (Fiber VNN/Mega VNN), áp dụng cho thuê bao băng rộng đang hoạt động hoặc hòa mạng mới. Cước dịch vụ Fiber được tính vào hoá đơn cước dịch vụ băng rộng và thanh toán cùng kỳ cước với dịch vụ băng rộng. F- Secure có giá khá ưu đãi và hợp lý, khách hàng chỉ phải trả 15.000 đồng/thiết bị và 60.000 đồng/5 thiết bị/tháng cho cả người dùng máy tính lẫn smartphone.
Đặc biệt từ ngày 1/7/2017 đến 30/9/2017, VNPT miễn phí hoàn toàn 12 tháng sử dụng phần mềm bảo mật F-Secure SAFE dành cho 1 thiết bị cho khách hàng đăng ký mới dịch vụ FiberVNN.
“Giải pháp Internet mới” được VNPT cung cấp tới khách hàng với các gói cước đa dạng, tốc độ cao, ổn định và không giới hạn về dung lượng trên hạ tầng kỹ thuật số một hiện nay. Các gói tốc độ của “Giải pháp Internet mới” gồm: Fiber16, Fiber20, Fiber30, Fiber40 và FiberNet, tốc độ truy cập tương ứng các gói là 16 Mbps, 20 Mbps, 30 Mbps, 40 Mbps và 60 Mbps. Các gói tốc độ này sẽ kèm theo phần mềm bảo mật F-Secure SAFE dành cho 1, 3 hoặc 5 thiết bị cùng lúc tuỳ theo nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra khách hàng có thể đăng ký riêng phần mềm bảo mật với các gói phân loại theo số lượng thiết bị khách hàng có nhu cầu.
Tại Việt Nam, khách hàng sử dụng dịch vụ Internet từ nhà cung cấp hiện đều không có gói bảo mật đi kèm, do đó có thể tiềm ẩn những rủi ro về an toàn trên môi trường mạng Internet, ví dụ như các vụ tấn công mạng, việc lây nhiễm các mã độc, virus nguy hiểm, hay trẻ em bị ảnh hưởng một cách vô tình bởi các nội dung xấu trên các trang chia sẻ video lớn…
Chính vì vậy, với giải pháp Internet an toàn, VNPT – nhà cung cấp lớn nhất thị trường cáp quang băng rộng mang ý nghĩa dẫn dắt thị trường và mở đầu cho một xu hướng mới, tạo ra những cuộc cạnh tranh mới với các nhà cung cấp khác, và trong đó, khách hàng là người được hưởng lợi nhất.
Trước đó, đầu tháng 4/2017, VNPT đã thực hiện tăng tốc độ các gói cáp quang từ 25-50% trong khi vẫn giữ nguyên giá cước. Quan điểm của VNPT, việc chạy đua giảm cước không phải là hướng đi dài hạn khi chỉ số doanh thu/thuê bao (ARPU) trung bình hiện nay của một thuê bao cáp quang hiện nay đang ở mức thấp (khoảng 200.000 đồng/tháng). Vì vậy, việc nâng cấp chất lượng dịch vụ, đáp ứng những nhu cầu cấp thiết cho khách hàng như vấn đề bảo mật mới chính là hướng đi dài hạn, là hình thức “giảm giá” gián tiếp cho khách hàng.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó tổng giám đốc VNPT-VinaPhone, cho biết: “Với sự đầu tư để đáp ứng nhu cầu và đem lại những tiện ích tối đa cho khách hàng như trên, chúng tôi kỳ vọng sẽ tiếp tục nới rộng khoảng cách ví trí dẫn đầu thị phần của mình đối với dịch vụ Internet cáp quang trong thời gian tới”.
Theo ICTNews