Các điểm cần lưu ý khi viết Sơ yếu lý lịch
Khi nhà tuyển dụng và bạn chưa gặp nhau, sơ yếu lý lịch chính là cơ hội duy nhất và hữu hiệu nhất để bạn “tiếp thị” hình ảnh của mình đến với họ. Vậy làm thế nào để CV của bạn có thể dễ dàng lọt vào “mắt xanh” của các nhà tuyển dụng?
Dưới đây là một số lưu ý nhỏ để có được một bản sơ yếu lí lịch ấn tượng đối với nhà tuyển dụng:
1. Hãy viết một bản Sơ yếu lý lịch dễ nhìn, dễ hiểu và phù hợp với nhà tuyển dụng
Tờ sơ yếu lý lịch thường được xem xét đầu tiên bởi nhà tuyển dụng khi nhận hồ sơ của một người xin việc. Vì vậy, bạn có được mời đi phỏng vấn hay không phụ thuộc vào việc nhà tuyển dụng có bị bản sơ yếu lý lịch của bạn thu hút hay không. Từ đó, hãy tạo cho mình một bản sơ yếu gọn gàng, khoa học nhất, làm nổi bật được điểm mạnh của bản thân và thực sự sáng tạo. Hãy chứng tỏ rằng bạn là một người đầy nhiệt huyết đối với công ty và vị trí mà họ đang cần.
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là bạn phải làm thế nào để thể hiện một cách rõ ràng kinh nghiệm làm việc của bản thân, các kỹ năng cũng như hồ sơ cá nhân.
Nếu bạn chưa đọc về điều này thì có thể tham khảo bài viết trước đây:
Cách viết sơ yếu lý lịch (tóm tắt 3 điểm chính)
2. Hãy viết về tất cả kinh nghiệm làm việc của bạn
Bạn hãy ghi tất cả những doanh nghiệp nơi bạn đã có kinh nghiệm làm việc. Nếu bạn là sinh viên, bạn có thể viết về kinh nghiệm làm thêm nhưng nếu bạn đã đi làm chính thức thì về cơ bản, không cần thiết phải ghi những kinh nghiệm làm thêm này.
Trong trường hợp, công ty mà bạn từng làm việc có sự thay đổi về tên, hoặc liên doanh với công ty khác như mua lại và sáp nhập v.v.. thì bạn cũng không cần phải ghi thành 2 mục riêng. Chỉ cần ghi chú sự thay đổi này là đủ.
3. Hãy liệt kê nội dung công việc cũng như một vài thông tin về công ty
Thông thường, khi bạn tham khảo các bản Sơ yếu lý lịch khác, bạn sẽ thấy có rất nhiều người không ghi thông tin về những công ty mà họ đã có kinh nghiệm làm việc. Tuy nhiên, điều này cũng là một sự thiếu sót, bạn nên viết thêm một vài thông tin như lĩnh vực hoạt động, quy mô,… của công ty đó.
Ví dụ về cách ghi nội dung công việc:
* Nội dung công việc:
Công ty cổ phần XYZ
Số lượng nhân viên: 50 người
Vốn đầu tư: 1 tỉ VND
Doanh thu: không công khai
Hình thức: nhân viên chính thức
Chức vụ: trưởng phòng
Nội dung công việc:
– Buôn bán bất động sản, quản lý bất động sản, cho vay bất động sản.
– Tư vấn bất động sản và nghiệp vụ đại lý bảo hiểm tổn thất.
4. Hãy viết tóm tắt những kinh nghiệm làm việc của bạn
Để nhà tuyển dụng có thể hiểu và nắm bắt được kinh nghiệm làm việc của bạn nhanh nhất, hãy ghi lại một cách tóm tắt những công việc bạn đã làm đối với mỗi nơi mà bạn đã từng làm việc. Trong trường hợp thăng chức hay có sự di chuyển về nhân sự, bạn hãy kết hợp lại để ghi.
Ví dụ về việc ghi tóm tắt kinh nghiệm làm việc:
* Tóm tắt kinh nghiệm làm việc:
Loại công việc: Nhân sự
Tóm tắt kinh nghiệm làm việc: Được tuyển dụng vào công ty ngay sau khi ra trường và phụ trách về mặt nhân sự nói chung. Sau 3 năm, thăng chức lên trưởng phòng nhân sự, phụ trách, quản lý 3 nhân viên cấp dưới và thực hiện nhiệm vụ xây dựng chế độ nhân sự.
5. Hãy chia và viết nội dung công việc thành các mục nhỏ
Hãy lồng vào phần tóm tắt kinh nghiệm làm việc những nội dung chi tiết hơn.
Nếu bạn chia các nội dung cần truyền đạt thành các mục nhỏ thì nó sẽ trở thành 1 bản tóm tắt và người đọc có thể nhận ra ngay lập tức.
Ví dụ về nội dung công việc:
* Lý lịch làm việc:
– Tháng 9 năm 2008: Được tuyển vào công ty, làm việc tại bộ phận nhân sự
– Tháng 3 năm 2011: Thăng chức lên trưởng phòng nhân sự (với 3 nhân viên cấp dưới)
* Công việc phụ trách:
– Tuyển dụng: phụ trách đăng quảng cáo tìm người, quản lý việc ứng tuyển, phỏng vấn, quản lý công ty giới thiệu nhân lực
– Lập các phương án nghiên cứu đào tạo (đào tạo các nhân viên mới, quản lý các thực tập sinh)
– Xây dựng, chỉnh sửa các quy định và chế độ nhân sự (Nêu rõ các quy định, chế độ chính đã xây dựng)
– Phát triển chế độ đánh giá nhân viên (Nêu quá trình nâng cấp)
6. Hãy viết về kinh nghiệm quản lý, kết quả công việc và thành tích
Đây là điểm quan trọng nhất để nhà tuyển dụng có thể đánh giá khả năng của bạn. Hãy cố gắng viết một cách khách quan và đưa ra những số liệu, sự kiện một cách cụ thể. Tránh việc quá phô trương hay PR quá mức.
Ví dụ:
* Thành tích:
– Thực hiện được việc nâng cấp và phát triển chế độ đánh giá nhân viên
– Hoàn thành các văn bản hướng dẫn để đào tạo nhân viên thực tập
– Năm 2011: tuyển 12 người có kinh nghiệm làm việc (hoàn thành 100% chỉ tiêu đề ra)
* Kinh nghiệm quản lý:
– Với vị trí trưởng phòng nhân sự, phụ trách 3 nhân viên cấp dưới. Đối với mỗi người, thiết lập nhiệm vụ và chỉ tiêu cho mỗi tháng, hướng dẫn họ để có thể hoàn thành chỉ tiêu đó.
7. Khi viết về lý do nghỉ việc, đừng viết 1 cách phủ định, hãy viết 1 cách tích cực
Nếu bạn viết về những bất mãn đối với những quy định, chế độ đãi ngộ của công ty nơi bạn đã làm việc thì sẽ gây một ấn tượng mang tính phủ định đối với nhà tuyển dụng. Nếu tự bạn nghỉ việc thì hãy nhấn mạnh đến những lý do tích cực khiến bạn đã chuyển việc hoặc muốn chuyển việc.
Ví dụ:
*Lý do chuyển việc:
Công việc hiện nay của tôi chủ yếu chỉ liên quan đến vấn đề tuyển dụng. Tôi muốn có thời gian làm thêm một số công việc để có thể tích lũy nhiều hơn các kinh nghiệm khác trong lĩnh vực nhân sự như công việc điều chỉnh chế độ nhân sự,… Vì vậy, tôi đã quyết tâm chuyển việc.
8. Hãy viết về mục tiêu nghề nghiệp
Mục tiêu nghề nghiệp chính là một phần quan trọng giúp bạn PR bản thân trước nhà tuyển dụng, hãy cho họ thấy những điểm mạnh mà bạn đã gặt hái được qua những kinh nghiệm làm việc từ trước tới nay: Bạn đã làm những công việc gì? Và bạn dự định phát huy những kinh nghiệm đó tại doanh nghiệp đang tuyển dụng như thế nào? Bạn hãy chia mục tiêu nghề nghiệp thành một vài mục nhỏ và đặt tiêu đề cho mỗi mục. Làm như vậy, bạn đã có thể khiến cho nhà tuyển dụng hiểu được bạn muốn PR điều gì.
Ví dụ:
* Mục tiêu nghề nghiệp:
– Phát huy kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự trong 4 năm làm việc (công việc chính là tuyển dụng nhân sự):
– 4 năm qua, tôi đã làm rất nhiều việc trong lĩnh vực quản lý nhân sự, tuyển dụng. Và tôi muốn phát huy những kinh nghiệm thu được qua quá trình này trong công việc sắp tới.
– Muốn làm rất nhiều loại công việc liên quan đến vấn đề nhân sự nói chung:
– Tôi muốn được làm và thử sức mình đối với rất nhiều loại công việc liên quan đến vấn đề nhân sự, từ việc liên quan đến tuyển dụng đến những công việc như thiết lập, xây dựng chế độ nhân sự, người lao động,…
Chúc các bạn thành công!
Theo careerlink