Bí Quyết Nói Chuyện Tạo Ấn Tượng Trong Lần Đầu Gặp Mặt
Đối với tất cả mọi người, những “lần đầu tiên” luôn là dịp rất quan trọng. Lần đầu hẹn hò, lần đầu thử một món ăn ngon, lần đầu được làm điều mình chưa bao giờ dám thử…
Và lần đầu gặp mặt là một trong những điều “đầu tiên” mà nếu bạn không biết cách tạo ấn tượng, chưa chắc sẽ có lần gặp thứ 2, thứ 3… Trong đó, cách nói chuyện thông minh, duyên dáng không chỉ góp phần quyết định thành công của buổi đầu gặp gỡ mà còn thể hiện một phần bản thân mình, dễ gây thiện cảm với đối phương.
Nụ cười trong 3 giây đầu tiên
Để bắt đầu câu chuyện, không gì tốt hơn một nụ cười. Đừng tỏ vẻ nghiêm trọng quá mức cần thiết, cũng đừng tự khiến mình trở nên kém duyên vơi nụ cười không đúng lúc, đúng chỗ. Nở một nụ cười nhẹ nhàng trước khi mở lời không chỉ giúp bạn xua đi cảm giác lo lắng, căng thẳng mà còn tỏa ra năng lượng tích cực và thân thiện, khiến cho người đối diện cảm thấy thoải mái và dễ dàng đón nhận câu chuyện hơn.
Ánh mắt chính là thứ “vũ khí” mà ai cũng có
Ngôn ngữ cơ thể là ngôn ngữ tự nhiên của con người và rất có hiệu quả trong giao tiếp nhưng không phải ai cũng biết cách vận dụng. Ánh mắt chính là thứ ngôn ngữ bạn cần phải sử dụng trong trường hợp này. Hãy tập trung nhìn vào mắt đối phương, tạo cho người đối diện biết rằng bạn đang tôn trọng và rất chú ý lắng nghe họ.
Không chỉ thế, một ánh mắt biết cười còn là ánh mắt gây ấn tượng và thu hút người khác hơn bao giờ hết. Đừng nhìn chằm chằm vào người đối diện bằng ánh mắt “ngơ ngác”, “mơ màng”, “tọc mạch”, hay liên tục đảo mắt xung quanh, như thế sẽ dễ gây khó chịu cho người đối diện, họ sẽ có suy nghĩ bạn đang thiếu tập trung, không hiểu cuộc hội thoại hoặc đang cảm thấy nhàm chán trong câu chuyện của 2 người.
Điều chỉnh âm thanh cũng rất đáng để quan tâm
Muốn đối phương hiểu và hòa vào câu chuyện của bạn, hãy biết cách điều chỉnh âm lượng và tốc độ truyền đạt của mình. Người nghe có thể nắm bắt được những gì bạn nói và dễ dàng trả lời chính là sự thành công trong việc này. Đừng “ào ào” như kiểu đối phương phải có nhiệm vụ đến để nghe câu chuyện của bạn. Trong một cuộc phỏng vấn xin việc, nếu bạn cứ chăm chăm khoe khoang thành tích hay kinh nghiệm mà chẳng chừa chỗ cho người khác nhận xét, bạn có chắc rằng người đang ngồi phỏng vấn sẽ có thiện cảm tốt với mình?
Tương tự, đừng nói như “hét vào tai người khác”. Một số người bẩm sinh đã “ăn to nói lớn” dù không cố ý, trong cuộc trò chuyện, họ sẽ không kiểm soát được âm lượng và có xu hướng nói to dần lên. Nếu bạn là típ người này, hãy tập luyện kiểm soát âm lượng của mình và luôn nhắc nhở bản thân: nói chậm rãi, nói vừa phải.
Bề ngoài chỉn chu là điều nhất quyết không được quên
Vẻ ngoài không cần quá cầu kì kiểu cách, nhưng phải đảm bảo “sạch sẽ” và gọn gàng. Hãy luôn chú ý đến vẻ ngoài của mình vì đây chính là đặc điểm gây ấn tượng đầu tiên khiến người đối diện quyết định họ sẽ “tiếp tục” với bạn hay không. Vẻ ngoài tươm tất không chỉ thể hiện ban đang tôn trọng đối phương mà còn nói lên việc bạn yêu bản thân mình nhiều bao nhiêu và giúp bản thân bạn cảm thấy tự tin hơn.
Hãy luôn để ý đến vẻ ngoài của mình trong mỗi hoạt động thường ngày chứ đừng chỉ đợi đến khi có cuộc gặp mặt quan trọng. Một mùi hương dễ chịu, một mái tóc gọn gàng, một bộ quần áo không quá màu mè nhưng cần phải chỉnh tề… đâu phải là quá khó, đúng không?
Chuẩn bị trước những gì mình cần nói
Nếu là phỏng vấn xin việc thì tất nhiên, điều bạn cần làm là tìm hiểu kỹ về công ty đang phỏng vấn bạn. Biết trước mình sẽ phải nói những gì để thuyết phục được người phỏng vấn chính là bí quyết tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
Hãy thể hiện sự chân thành của bạn bằng cách nói những thông tin chính xác về đối phương và có liên quan đến chủ để cuộc trò chuyện. Bên cạnh đó, bạn sẽ không bị ấp úng hay lo sợ khi đã biết trước mình cần phải nói những gì, hoặc không quá hoang mang với độ chính xác của thông tin mà bạn nói ra.
Điều quan trọng cuối cùng…
Đó chính là sự tự tin. Nếu tất cả các điều trên được trang bị rất kỹ càng, nhưng khi bắt đầu cuộc nói chuyện, bạn lắp bắp, ấp úng, không biết phải làm gì hay nói gì tiếp theo, cũng không biết phải bày tỏ thế nào cho đối phương thấy được sự chân thành của mình, nghĩa là lúc đó bạn đang thiếu tự tin.
Hãy nhớ, chỉ khi bạn tự tin, bạn mới cảm thấy thoải mái với câu chuyện của chính mình và gây ấn tượng thành công trong lần đầu tiên gặp mặt.
Theo elle.vn