NASA phát hiện nước trên bề mặt Mặt Trăng

Hai nghiên cứu độc lập giúp các nhà khoa học xác nhận sự tồn tại của nước ở bề mặt được Mặt Trời chiếu sáng của Mặt Trăng.


Miệng hố Clavius trên bề mặt Mặt Trăng. Ảnh: NASA.© Được VnExpress cung cấp Miệng hố Clavius trên bề mặt Mặt Trăng. Ảnh: NASA.

Các nhà khoa học tìm thấy dấu hiệu của nước trên Mặt Trăng và ghi nhận có băng đá trên bề mặt Mặt Trăng vào năm 2018. Hai nghiên cứu mới phát hiện nước ở một trong những miệng hố lớn nhất ở bề mặt được Mặt Trời chiếu sáng của Mặt Trăng, đồng thời phát hiện nhiều mảng băng ở “bẫy lạnh”, khu vực vĩnh viễn chìm trong bóng tối.

“Nếu có thể tưởng tượng đang đứng trên Mặt Trăng gần một cực của nó, bạn sẽ thấy những vùng bóng tối có ở khắp mọi nơi”, Paul Hayne, phó giáo sư ở Phòng thí nghiệm Khí quyển và Vật lý vũ trụ ở Đại học Colorado, Boulder, tác giả nghiên cứu cho biết. “Nhiều vùng bóng tối trong số này có thể chứa đầy băng”.

Trong một nghiên cứu, nhóm chuyên gia đứng đầu là Casey Honniball ở Trung tâm bay vũ trụ Goddard của NASA ở Maryland, tìm hiểu về nước trên Mặt Trăng, sử dụng dữ liệu từ chương trình SOFIA (Máy bay Khảo cứu tầng bình lưu dành cho Thiên văn học hồng ngoại) của NASA. Với những quan sát này, lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà khoa học tìm thấy nước ở bề mặt có ánh sáng Mặt Trời. Công trình trước đây nhận dạng nước trên Mặt Trăng dựa vào ký hiệu phổ, dấu hiệu đặc trưng dùng để xác định vật chất. Nhưng dữ liệu đó không thể phân biệt giữa nước và hydroxyl (phân tử OH) gắn liền với khoáng chất trên bề mặt Mặt Trăng. Với quan sát mới, các nhà nghiên cứu có thể tìm ra dấu hiệu hóa học chỉ có ở nước.

Honniball và đồng nghiệp phát hiện nước gần Clavius, một trong những miệng hố lớn nhất trên Mặt Trăng, và ở cả vùng tối Mare Serenitatis thuộc vĩ tuyến thấp. Theo họ, khoảng 100 – 412 phần triệu trong mỗi mét khối đất đá có chứa nước. Số nước này nhiều khả năng vẫn giữ các hạt bụi đất, nhờ đó được bảo vệ trước điều kiện môi trường.

Trong một nghiên cứu khác, nhóm của Hayne sử dụng dữ liệu từ tàu vũ trụ quay quanh quỹ đạo Mặt Trăng Reconnaissance của NASA để nghiên cứu sự phân bố của bẫy lạnh, nơi nước có thể tồn tại trong thời gian ngắn. Họ nhận thấy bẫy lạnh phân bố rộng rãi, bao gồm các bẫy lạnh siêu nhỏ với đường kính chỉ khoảng một centimet. Đặc biệt, có bằng chứng bẫy lạnh siêu nhỏ nhiều gấp hàng trăm hoặc hàng nghìn lần so với bẫy lớn. Cả hai loại đều nằm trong bóng tối.

Trên thực tế, Hayne và cộng sự tính toán 40.000 km2 bề mặt Mặt Trăng có thể chứa nước, nhiều gấp đôi so với ước tính trước đây. Nhiệt độ ở các bẫy lạnh thấp đến mức băng trở nên giống đá. Tuy nhóm nghiên cứu cho biết họ cần xác nhận sự tồn tại của chúng bằng robot tự hành hoặc nhiệm vụ có người lái, phát hiện mới có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với kế hoạch đưa phi hành gia trở lại Mặt Trăng mà cả với dự định biến Mặt Trăng thành trạm trung gian để bay tới sao Hỏa.

“Nếu chúng tôi đúng, đây là nguồn nước dễ tiếp cận để dùng làm nước uống, nhiên liệu tên lửa hoặc bất cứ thứ gì cần tới nước của NASA. Các phi hành gia có thể không cần tiến vào vùng tối. Họ chỉ cần đi loanh quanh và tìm một bẫy lạnh rộng chừng một mét và chứa băng”, Hayne cho biết.

Honniball công bố nghiên cứu hôm 26/10 trên tạp chí Nature Astronomy. Nghiên cứu của Hayne cũng được xuất bản hôm 27/10 trên cùng tạp chí.

Nguồn Tổng hợp (Vnexpress, The Space)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *