ĐOẠN KẾT VỀ GIÁ ĐIỆN MẶT TRỜI: Kẻ cười, người khóc
Theo đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án nối lưới với giá 9,35 cent/kWh. Quyết định này đang tạo ra một cơn địa chấn trong giới đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến thị trường điện Việt NamThị trường điện Việt Nam đang trong giai đoạn tái cơ cấu. Công ty tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài không chỉ có thể tham gia sản xuất điện (như đầu tư làm một trang trại điện mặt trời) mà trong tương lai còn có thể phân phối điện.Thị trường một – người – mua
Doanh nghiệp ngoài nhà nước được sản xuất và bán điện, nhưng mua thì chỉ có một “người” được mua. Đó là EVN – đơn vị độc quyền phân phối điện trên toàn quốc. Thị trường này vì thế được gọi là thị trường một – người – mua (single buyer market).
Có nghĩa là không bán điện được cho EVN thì coi như “chết”. Một dự án đầu tư sản xuất điện, vì thế, phụ thuộc vào một văn bản mang tính sống còn với EVN – hợp đồng mua bán điện (power purchase agreement – PPA), theo đó EVN đồng ý mua điện với giá và các điều khoản khác cụ thể như thế nào.
Theo lộ trình do Chính phủ đề ra, sau này EVN cũng sẽ không còn là nhà phân phối duy nhất, và khi đó các nhà sản xuất điện không bán cho nhà phân phối này thì bán cho nhà phân phối khác. Cuộc chơi khi đó sẽ mang tính cạnh tranh hơn về phía bên mua.
Cuối cùng, sau khi tái cấu trúc thành công, thị trường điện Việt Nam sẽ vận hành như các thị trường điện hiện đại khác trên thế giới, với nhiều bên bán (sản xuất) và mua (phân phối) giao dịch với nhau thông qua một sàn giao dịch điện (power exchange) với nhiều giao dịch phức tạp, thậm chí thời điểm chốt giá cận đến từng 5-10 phút trước giờ phát điện.
Nhưng đó là một lộ trình dài cả thập kỷ nữa, và có thể kéo dài hơn nhiều so với lộ trình mà Chính phủ dự kiến vì nhiều lý do khác nhau. Còn bây giờ, các nhà sản xuất điện, trong đó có các nhà sản xuất điện mặt trời, phải tạm bằng lòng với thị trường một – người – mua đó.
Nhưng EVN cũng không có toàn quyền quyết định giá mua điện từ nhà sản xuất, và giá bán điện đến người tiêu dùng. EVN phải xin ý kiến của Chính phủ.
Trong vấn đề điện mặt trời cũng vậy. Đây là lĩnh vực năng lượng tái tạo, suất đầu tư cao hơn nhiều so với các hình thức sản xuất điện truyền thống (như thủy điện hay nhiệt điện).
Vì thế, giá EVN mua phải cao hơn. Tuy nhiên, mua giá nào thì vừa? EVN phải xin ý kiến của Chính phủ. Chính phủ không quyết thì toàn bộ các dự án điện mặt trời sẽ không có lối ra, vì EVN không thể ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với họ.
Và điều này đã xảy ra trên thực tế. Câu hỏi về việc EVN phải mua từ các nhà sản xuất điện mặt trời với giá bao nhiêu đã bỏ ngỏ nhiều năm. Cho đến ngày 11-4 vừa rồi, khi Chính phủ chính thức công bố giá mua bán điện mặt trời là 9,35 cent/kWh.
Thấp hơn nhiều so với kỳ vọng
Việt Nam là một trong những quốc gia có nắng nhiều nhất trong bản đồ bức xạ mặt trời thế giới, trung bình khoảng 4,3 kWh/m2/ngày, số giờ nắng trung bình khoảng 2.000 giờ/năm.
Từ Đà Nẵng trở vào, mật độ năng lượng bức xạ trong khoảng 4,5-5,5 kWh/m2/ngày và số giờ nắng trung bình khoảng 2.200-2.500 giờ/năm.
Dù tiềm năng điện mặt trời rất lớn, nhưng việc khai thác nguồn năng lượng này ở Việt Nam đến thời điểm này không đáng kể.
Hầu hết việc ứng dụng điện mặt trời trên cả nước mới chỉ ở các ứng dụng điện mặt trời cho hộ gia đình và các trung tâm dịch vụ, hệ thống đun nước mặt trời, đèn điện và sấy…
Dự án điện mặt trời nối lưới đầu tiên là Nhà máy điện mặt trời Côn Đảo trong khuôn viên Nhà máy điện Côn Đảo, công suất 36 kW đấu nối lưới điện Côn Đảo tháng 12-2014. Đây chỉ là dự án cực nhỏ mang tính thí nghiệm, do Tây Ban Nha viện trợ không hoàn lại.
Hiện có hơn 30 nhà đầu tư trong nước và nước ngoài bắt đầu lập các dự án điện mặt trời công suất từ 20 MW đến hơn 300 MW, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung.
Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Thiên Tân đang đầu tư xây dựng hai dự án nhà máy điện mặt trời tại Quảng Ngãi và Ninh Thuận. Công ty TNHH DooSung Vina (Hàn Quốc) đầu tư 66 triệu USD cho nhà máy công suất 30 MW tại Bình Thuận.
Một số nhà đầu tư nước ngoài như Hàn Quốc, Pháp, Ấn Độ cũng đăng ký đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời ở Thừa Thiên – Huế, Hà Tĩnh, Hậu Giang; một số nhà đầu tư của Đức, Thái Lan nghiên cứu khả năng đầu tư tại Quảng Trị, Bình Định.
EVN cũng vừa đề xuất tỉnh Ninh Thuận về việc đầu tư dự án năng lượng mặt trời với công suất 200 MW trên diện tích 400 ha tại xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, dự kiến tổng vốn đầu tư 8.000 tỉ đồng, khởi công năm 2018 và 2019 đi vào hoạt động.
Hay gần đây, chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Sinenergy Holdings, thuộc Tập đoàn SHS Holdings Singapore, về việc đầu tư nhà máy sản xuất điện năng lượng mặt trời 300 MW kết hợp nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phước Hữu (Ninh Phước) trên diện tích 832 ha, tổng vốn đầu tư 7.920 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 7-2019.
Số dự án nhiều như vậy nhưng đa số đều chờ Chính phủ ra quyết định về giá điện. Không có quyết định này, ít ai dám mạo hiểm đầu tư vì không thể ký được hợp đồng bán điện cho EVN. Giá thế nào là hợp lý?
Theo một cuộc thăm dò ý kiến 21 chuyên gia năng lượng mặt trời khu vực Đông Nam Á thực hiện vào tháng 5-2016 bởi EuroCham Việt Nam, 100% ý kiến cho rằng mức giá điện nối lưới khi đó đang được đề xuất ở 11,2 cent/kWh là không đủ hấp dẫn các nhà đầu tư vào phát triển thị trường điện mặt trời ở Việt Nam. Thậm chí, một số còn đề xuất mức giá điện nên tăng lên ở mức 14 cent/kWh hay thậm chí 17 cent/kWh.
Do vậy, quyết định 11/2017/QĐ-TTg khiến các nhà đầu tư khá thất vọng. Một nhà đầu tư Nhật từng bỏ khá nhiều tiền để nghiên cứu khả năng đầu tư vào Việt Nam ngay lập tức khẳng định nếu giá điện mặt trời ở mức 9,35 cent/kWh, công ty ông sẽ dừng ngay hoạt động đầu tư vào Việt Nam, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Xu thế công nghệ và cuộc chơi chờ đợi tiếp diễn
Một đặc điểm hết sức quan trọng của lĩnh vực điện mặt trời là chi phí sản xuất ngày càng rẻ và hiệu suất của thiết bị đang tăng lên nhanh chóng. Nói về hiệu suất, lượng ánh sáng mặt trời có thể chuyển đổi thành năng lượng điện hiện tại bị giới hạn ở mức 30%, nhưng hầu hết các tấm panel mặt trời đều không đạt được mức này do thiếu điều kiện hấp thụ tối ưu.
Kỷ lục thế giới hiện tại đối với hiệu suất sử dụng tế bào quang điện là 24,1%. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu năng lượng Technion Israel gần đây đã tạo ra một cuộc cải cách công nghệ tế bào quang điện.
Theo đó, hiệu suất sử dụng tế bào quang điện sẽ được cải thiện ngoạn mục từ mức 30% lên 50% bằng cách phát triển các công cụ nhiệt động lực học mới, hấp thụ lượng điện năng thất thoát và chuyển đổi ngược thành điện. Kế hoạch sản xuất thương mại dự kiến của công nghệ này là trong vòng 5 năm tới.
Nói về chi phí, nếu như cách đây 5 năm, giá tấm pin điện mặt trời từ 3-4 USD/Wp, đến nay chỉ còn khoảng 0,5 USD/Wp. Những năm trước, để phát triển nguồn điện mặt trời, đòi hỏi suất đầu tư khá lớn. Nhà máy quang điện Thiên Tân ở Quảng Ngãi được xây dựng đầu tiên tại Việt Nam với số vốn đầu tư ở mức 1,8 triệu USD/MW.
Công bố cuối năm 2016 của EVN về việc dự kiến đầu tư dự án 200 MW ở Ninh Thuận với mức đầu tư hơn 1,7 triệu USD/MW. Các dự án được cấp phép hiện tại cũng có mức đầu tư công bố từ 1,7 triệu USD/MW đến hơn 2,1 triệu USD/MW.
Tuy nhiên, hiện nay suất đầu tư điện mặt trời của các dự án mới đã giảm, dao động khoảng 1,4 triệu USD/MW và còn tiếp tục giảm nữa.
Với giá bán cho EVN khoảng 9,35 cent/kWh, và với suất đầu tư “cũ” của các dự án lập trước đây (khoảng 1,8-2 triệu USD/MW), tỉ suất hoàn vốn nội bộ của các dự án này chỉ còn khoảng 12%, thậm chí thấp hơn, kéo theo thời gian hoàn vốn kéo dài đến 10 năm hoặc hơn, chiếm nửa thời gian vận hành dự án. Mặc dù không lỗ, đây là mức sinh lời hết sức khiêm tốn và không đủ hấp dẫn với phần lớn các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, có lẽ khi ra quyết định này, Chính phủ cũng đã tính toán đến nhu cầu dùng điện hiện tại và xu thế suất đầu tư đang giảm của điện mặt trời. Mức giá này có thể làm một số nhà đầu tư đang hào hứng trở nên mất vui, nhưng về dài hạn nó giúp EVN mua được điện từ nguồn này với mức giá rẻ hơn (mặc dù vẫn hơn giá mua từ các nguồn khác khá nhiều).
Mức giá này cũng không phải thấp đến mức vô lý. Chile, quốc gia phát triển điện mặt trời với giá bán thấp nhất toàn cầu, gần đây đã lập thêm một kỷ lục thế giới khi nhà thầu Tây Ban Nha Solarpack Corp Tecnologica giành phần thắng cung cấp điện 12,430 gWh/năm cho Chile với mức giá chỉ có 2,91 cent/kWh. Mức giá này chưa bằng 1/3 giá Chính phủ quy định EVN phải mua từ các nhà sản xuất điện mặt trời ở Việt Nam.
Nhưng Việt Nam không phải là Chile. Chưa biết đến bao giờ mới có các dự án hiệu quả như vậy xuất hiện ở Việt Nam. Dẫu sao, với quyết định rõ ràng của Chính phủ về giá mua bán nguồn điện này, cuộc chơi đã trở nên minh bạch hơn rất nhiều.
Có thể với mức giá này chưa hấp dẫn và vì thế ít dự án đi vào triển khai ngay, với xu thế về công nghệ của lĩnh vực điện mặt trời, Việt Nam sẽ không phải chờ đợi lâu để có các dự án đi vào triển khai khi các nhà đầu tư tìm được giải pháp công nghệ để làm giá thành sản xuất điện của họ rẻ hơn. Tựu trung, nó có lợi hơn cho người tiêu dùng.■
(*): Chuyên gia tư vấn thuộc Ernst and Young Việt Nam.
Nguồn Tuoitre.vn