Chiếc áo rộng hơn cho TP HCM

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định 48/2017 quy định một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với TP HCM

 TP HCM hội đủ điều kiện để đóng vai trò là nơi thử nghiệm những ý tưởng, mô hình mới để có thể khai thác những vận hội mới. Để tạo sự bứt phá trên đường đua này, TP rất cần được tiếp sức bằng những nguồn lực to lớn và bền vững trong xã hội.

Tiềm năng từ nguồn lực xã hội

Theo ước tính của Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP HCM (HFIC), nhu cầu vốn cần thiết để đầu tư cho cơ sở hạ tầng TP trong giai đoạn 2016 – 2021 khoảng 500.000 tỉ đồng (tương đương 23,5 tỉ USD) và một khoản tương tự cho giai đoạn 5 năm tiếp theo. Như vậy, TP HCM cần 1 triệu tỉ đồng để có thể giải quyết được bài toán cơ sở hạ tầng và đây được xem là một thách thức rất lớn về tài chính mà chính quyền TP đang phải đối mặt. Vấn đề được đặt ra là làm sao TP HCM có thể khai thác và tận dụng tối đa cơ chế đặc thù mà Chính phủ vừa trao để có thể huy động được các nguồn lực trong xã hội và tạo động lực tăng trưởng cho những năm tiếp theo.

TP HCM cần hàng chục tỉ USD để phát triển cơ sở hạ tầng trong thời gian tới Ảnh: TẤN THẠNH
TP HCM cần hàng chục tỉ USD để phát triển cơ sở hạ tầng trong thời gian tới Ảnh: TẤN THẠNH

Các nguồn lực xã hội đóng vai trò to lớn trong việc tài trợ cho các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của các TP và đô thị trên thế giới. Nguồn lực này càng quan trọng và lại khá dồi dào tại các quốc gia mà hệ thống tài chính chưa phát triển và đặc biệt là tài chính vi mô hay nói cách khác, là tập quán và kiến thức để tiếp cận thị trường tài chính và dịch vụ tài chính của người dân còn khá hạn chế. TP HCM nói riêng và nước ta nói chung là một ví dụ điển hình. Phần lớn công chúng chọn các hình thức tiết kiệm cá nhân hoặc đơn giản là tích trữ tiền tiết kiệm tại nhà dưới dạng vàng hoặc ngoại tệ (USD) là phổ biến.

Theo Tổng cục Thống kê, chênh lệch giữa vàng phi tiền tệ nhập khẩu và xuất khẩu tích lũy ở mức khoảng 8,9 tỉ USD. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê không chính thức từ Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, lượng vàng tích trữ trong dân cư có thể ở mức 400 – 500 tấn (tương đương 17 – 21 tỉ USD).

Về ngoại tệ thì chúng tôi đã thực hiện một số nghiên cứu để ước lượng lượng ngoại hối tích lũy dựa vào số liệu kiều hối hoặc sai số thống kê từ cán cân thanh toán quốc tế (BOP). Tốc độ tăng trưởng kiều hối hiện trung bình 16%/năm. Với tốc độ này, đến năm 2020, lượng kiều hối có thể lên đến hơn 28 tỉ USD. Theo khảo sát của các chuyên gia, kiều hối chuyển về nước được sử dụng cho nhiều mục tiêu, như gửi tiết kiệm, đầu tư vào vàng, bất động sản, sản xuất – kinh doanh chiếm tỉ trọng khoảng 90%, 10% còn lại có thể vẫn còn ở dạng cất trữ tại nhà, có nghĩa là nằm ngoài hệ thống tài chính. Nếu tích trữ 10% kiều hối nhận được, lượng ngoại tệ nhàn rỗi trong dân cư hiện khoảng 9,7 tỉ USD.

Theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước cơ cấu lại danh mục tài sản sở hữu bằng cách chuyển sang nắm giữ những loại tài sản bằng ngoại tệ là một trong các nguyên nhân của vấn đề sai số trong cán cân thanh toán. Điều này hàm ý nếu doanh nghiệp găm giữ ngoại tệ trong khi người dân thì cất giữ USD ở nhà thì sẽ làm phát sinh sai số trong thống kê. Nói cách khác, sai số thống kê phần nào phản ánh khối lượng ngoại tệ mà dân cư đang cất giữ “trong nhà”. Theo số liệu công bố của Ngân hàng Thế giới (WB), sai số thống kê trong BOP của Việt Nam liên tục tăng trong nhiều năm gần đây và năm 2016 giá trị sai số ở mức 4,9 tỉ USD.

Khi quan sát thực tế, hầu hết các chuyên gia và nhà nghiên cứu trong nước đều cho rằng khối lượng lớn ngoại tệ được người dân tích trữ lớn hơn rất nhiều so với dữ liệu chính thức. Nếu các nguồn lực này được huy động và khai thác hợp lý sẽ giúp cho các nhà hoạch định chính sách giải quyết được thách thức về vốn phát triển cơ sở hạ tầng địa phương.

Những cơ hội mở ra

Dựa trên “chiếc áo” cơ chế mới rộng rãi hơn mà Chính phủ vừa trao cho TP HCM, chính quyền TP có thể vận dụng để mở ra nhiều cơ hội hơn trong việc gia tăng nguồn thu cho ngân sách cũng như khả năng cân đối tốt hơn cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Có những cơ hội sau đây mà chính quyền TP có thể cân nhắc.

Khả năng xác lập nguồn thu đặc biệt của TP. Theo đó, TP HCM cần được cho phép mở rộng cơ sở thu thông qua một số nguồn thu đặc biệt tương ứng với điều kiện đặc thù của TP. Ngoài ra, nguồn thu từ thuế cũng có thể được linh hoạt giãn nở thông qua quyền tự quyết mức thuế suất gắn với các nguồn thu có tính chất địa phương trong giới hạn pháp luật. Ngoài ra, cũng cần có những khoản ưu tiên ngân sách cho TP như thưởng vượt thu, quản lý nguồn vốn thoái từ các doanh nghiệp nhà nước.

Tỉ trọng của ngân sách TP so với ngân sách của cả nước. Có nhiều quan điểm cho rằng có một sự bất hợp lý rất lớn trong câu chuyện giữa đóng góp và chi tiêu ngân sách của TP HCM so với các tỉnh, thành khác. Mâu thuẫn này hiện phản ánh rõ nhất trong nhu cầu đầu tư phát triển cấp bách của TP với tương quan nguồn lực giữ lại và sâu xa hơn là chuyện chia sẻ ngân sách. Thực tế cho thấy muốn có được chiếc bánh to hơn và đóng góp về trung ương nhiều hơn thì phải có cơ chế để TP gia tăng nguồn vốn đầu tư, từ đó làm cơ sở để gia tăng nguồn thu và đóng góp cho ngân sách nhà nước, chứ không thể duy trì tỉ lệ phân bổ như hiện tại mà vẫn đòi hỏi TP phải cất cánh là điều bất khả thi.

Khả năng tự chủ trong chi tiêu ngân sách của TP. Đóng vai trò của một siêu đô thị, TP HCM gánh vác vai trò đầu mối cung cấp cho một lượng lớn dân cư các dịch vụ phức tạp trên quy mô lớn, cao hơn hẳn so với các tỉnh, thành khác trên cả nước. Do đó, TP cần được quyền tự chủ quy định các khoản chi, định mức chi phù hợp với với nhu cầu đặc thù của TP, trong đó đặc biệt ưu tiên cho chi xây dựng cơ bản và cải tạo, phát triển cơ sở hạ tầng đô thị.

Nới rộng hạn mức huy động vốn đầu tư. Với nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng cấp bách và quy mô lớn thì TP cần được mở rộng hạn mức đầu tư. Kìm hãm càng lâu thì càng lãng phí nguồn lực có thể khai thác trong công chúng và càng kéo tốc độ phát triển của TP chậm hơn.

Ngoài ra, để phát huy tối đa hiệu quả của cơ chế mới và giải quyết các vấn đề về động lực phát triển đô thị còn có nhiều khía cạnh mà chính quyền TP cần quan tâm như: hiệu quả hệ thống chuyển giao tài chính từ trung ương đến địa phương trong việc sử dụng ngân sách; các giới hạn khi tiếp cận các khoản vay và hình thức tài trợ bằng trái phiếu; đội ngũ cán bộ có trình độ, có năng lực kỹ thuật và nắm vững các quy trình, thủ tục hành chính để lập và triển khai kế hoạch; vấn đề vận hành và duy trì cơ sở hạ tầng đô thị; sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý; các khuôn khổ pháp lý và hành chính để thu hút nguồn lực từ khu vực dân cư và tư nhân tham gia trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Có thể nói, các nguồn vốn nhàn rỗi trong dân và khu vực tư nhân là rất lớn, vấn đề là lãnh đạo TP có thể vận dụng linh hoạt và hiệu quả cơ chế tài chính trong việc huy động và sử dụng hiệu quả “đồng tiền liền khúc ruột” của người dân để cùng xây dựng một TP “xanh – sạch – đẹp” và cả an toàn hay không? Tôi tin rằng câu trả lời cho câu hỏi này chính là chiếc chìa khóa để lãnh đạo và người dân TP cùng mở ra cánh cổng cơ hội để một lần nữa, TP HCM trở thành hòn ngọc Viễn Đông.

Cơ chế tài chính đặc thù

Theo Nghị định 48/2017 có hiệu lực từ ngày 10-6-2017, nhà nước ưu tiên đầu tư về ngân sách và các nguồn tài chính khác nhằm phát triển kinh tế – xã hội để TP HCM thực hiện vai trò trung tâm kinh tế – xã hội của khu vực và cả nước.

Đối với một số công trình, dự án quan trọng có quy mô đầu tư lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi do TP HCM quản lý vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, TP HCM sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định hỗ trợ từ ngân sách trung ương để triển khai thực hiện. Để sử dụng hiệu quả quỹ đất của TP, UBND TP HCM được tạm ứng từ nguồn ngân sách TP hoặc từ nguồn vay cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Sau khi thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất sẽ thu hồi hoàn trả ngân sách hoặc hoàn trả nguồn vốn vay.

Về vay vốn đầu tư phát triển, TP HCM được vay vốn đầu tư trong nước thông qua hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; được vay lại vốn vay ngoài nước cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Khi có nhu cầu vay, UBND TP HCM phải xây dựng kế hoạch vay bù đắp bội chi ngân sách địa phương cùng với lập dự toán ngân sách hằng năm, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định…

Nguồn nld.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *