Chú Trung Dân lên gameshow làm gì cho đám nhóc giỡn mặt!

Nghệ sĩ có lẽ chia làm ba nhóm: hoặc cự tuyệt với hài kịch truyền hình, gameshow hoặc xác định luôn là tôi cần tiền hoặc nhóm thứ ba như nghệ sĩ Trung Dân: chưa hẳn thương mại, nhưng chưa đủ dũng khí để từ chối…

Nhóm một: Họ cự tuyệt với hài kịch trên truyền hình và gameshow. Đấy không phải là nơi họ làm nghề. Và họ đau lắm khi thấy đồng nghiệp, tức anh/chị/em/bạn của họ xuất hiện nhan nhản trên truyền hình, hớn hở cười trước những tiểu phẩm chọc léc, kém duyên trong các gameshow.

Nhóm hai: Họ xác định luôn là tôi cần tiền. Tôi phải kiếm sống, tôi không quan tâm người nghĩ gì về mình, tôi chỉ cần biết đài trả tôi bao nhiêu, kịch bản là gì.

Nhóm thứ ba: Họ chưa ngả hẳn về thương mại, nhưng cũng không đủ dũng khí từ chối nên thường chới với giữa dòng nước lũ. Tôi nghĩ chú Trung Dân thuộc nhóm này. Nếu như hài kịch truyền hình và gameshow là những đám lục bình, nở hoa phía trên nhưng hôi thối phía dưới như chú nói, chú là người… bám một tay.

Chú Trung Dân lên gameshow làm gì cho đám nhóc giỡn mặt!

Có thể nói mà không sợ quá lời, đối với tôi, chú Trung Dân là diễn viên hài số một Việt Nam.

 Nếu để nói về chọc cười (tôi đang nói thuần túy sân khấu, bạn nào xem chú diễn qua TV rồi nhận xét thì xin bỏ qua), chú rất khó có đối thủ. Trên cái sàn diễn vài chục mét vuông ấy, khi chú Trung Dân đã xuất hiện và nhả miếng, đến cả bạn diễn cũng không chịu nổi.
Chú Trung Dân lên gameshow làm gì cho đám nhóc giỡn mặt!
Trung Dân trong một suất diễn phục vụ thiếu nhi – Ảnh: GIA TIẾN

Trong Tiếng vạc sành, chú Hữu Châu đang đóng vai nghiêm nghị phải bật cười vì bạn diễn của mình quá duyên.

Chú Trung Dân tung tẩy như đang ở nhà, như đang nhâm nhi ly rượu đế và chém gió với đám bạn miền quê. Chú diễn liên tu bất tận. Khán giả chưa kịp cười xong miếng cũ, đã ôm bụng vì miếng mới.

Hôm tôi đi coi lại Tiếng vạc sành ở sân khấu mới của Minh Nhí, chú diễn vai Ba Hòm thần sầu đến mức Minh Nhí… quên cả diễn.

Minh Nhí ngồi một góc, hoàn toàn choáng ngợp bởi khả năng độc thoại siêu quần của bạn diễn, quên mất mình đang vào vai. Chú Trung Dân phải nhìn trân trân Minh Nhí hồi lâu, chú Minh Nhí mới giật mình đọc thoại trở lại.

Tôi có duyên coi chú Trung Dân và chú Hữu Châu diễn vở Bệnh sĩ của Lưu Quang Vũ. Chú Châu vào vai một ông trưởng hợp tác xã, chú Dân đóng vai trợ lý.

Hai ông già đứng trên sân khấu, mỉa mai vào tất cả những trái khoáy của xã hội, ăn ý vô ngần. Kẻ tung người hứng, phối hợp nhịp nhàng, khán giả cười như chưa bao giờ được cười.

Lưu Quang Vũ có tái sinh, có lẽ phải trèo lên mà xin chữ ký hai ông diễn viên gạo cội.

Nhưng rồi Bệnh sĩTiếng vạc sành cũng phải dẹp tiệm vì chú Trung Dân đã phải rời IDECAF, vì lý do gì tôi không rõ. Sân khấu bị chia năm xẻ bảy, tài năng tứ tán, và những cú đấm của họ không còn uy lực như ngày trước nữa.

Rồi kịch truyền hình/gameshow lên ngôi. Tiền đổ về đó, và thế là nghệ sĩ sân khấu phải bắt đầu điều chỉnh công cuộc mưu sinh. Họ phải làm những việc mà họ không thích, để nuôi cái nghiệp diễn đã ăn vào máu của họ.

Lớp diễn viên kế cận của những Thu Trang, Trấn Thành, Trường Giang, Tiến Luật… đã tạo ra một bước chuyển đáng buồn cho sân khấu.

Họ mang sân khấu lên truyền hình, và khiến cho những khán giả chưa có dịp đến sân khấu lầm tưởng đó là sân khấu. Sân khấu trên thực tế, không phải như vậy.

Nhưng càng nhiều người xem, tiền quảng cáo đổ về càng nhiều, các chương trình xuất hiện dày đặc chính là những cú đấm giáng thẳng vào sân khấu. Trên thực tế, sân khấu đang thoi thóp.

Đau lòng ở chỗ, người góp phần hạ sát nó chính là những nghệ sĩ đã thành danh từ nó. Tôi đã buồn sững sờ khi thấy nghệ sĩ Thanh Thủy xuất hiện ở Cười xuyên Việt và cười rung bần bật, rồi dành những mỹ từ cho một tiểu phẩm… bình thường.

Hai tuần trước, tôi lại gặp nghệ sĩ Thanh Thủy trên sân khấu của Minh Nhí, vẫn thần sầu như ngày nào. Cô ơi, đấy mới là chỗ của cô. Chú Trung Dân ơi, chỉ có khi ánh đèn sân khấu rọi vào chú mới thật sự sống. Chú lên gameshow làm gì cho đám nhóc con giỡn mặt với chú.

Kết thúc vở Tiếng vạc sành ở sân khấu Minh Nhí, trong vai trò là giám đốc nhà hát, chú Minh Nhí ba lần nói vào micro là chú mong mỏi khán giả xem vở hãy về rủ bạn bè, người thân đến coi.

Kịch không cười rần rần, nhưng là kịch đúng nghĩa. Một sự thức tỉnh muộn màng của những người đã trót mang nghiệp diễn, hay là tiếng lòng hấp hối của một lớp nghệ sĩ đã bất lực nhìn người trẻ “viết lại định nghĩa về sân khấu”.

Thật là buồn khi chú Trung Dân được lên báo theo cách bị đàn em/đàn cháu sỉ nhục, thay vì người ta ca ngợi tài năng trác tuyệt của chú.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Trần Minh.

Nguồn Tuoitre

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *