Đã đến lúc khán giả cần tẩy chay gameshow nhảm nhí!

Trong khi nhà đài thả nổi gameshow, nhà sản xuất vì chạy theo lợi nhuận mà quên đi nhu cầu cần thưởng thức những chương trình “sạch” của phần đông khán giả thì công chúng buộc phải sử dụng quyền lựa chọn của mình, để “tẩy chay” những chương trình nhảm nhí.

Chương trình Siêu sao đoán chữ bị chê là nhảm nhí. Ảnh: C.T
Chương trình “Siêu sao đoán chữ” bị chê là nhảm nhí. Ảnh: C.T

Báo động gameshow nhảm “lọt sóng

Không phải đến thời điểm ca sĩ Hương Giang bị chỉ trích gay gắt vì có hành vi xúc phạm nghệ sĩ Trung Dân, thì khán giả mới giật mình, ngán ngẩm về tình trạng gameshow nhảm nhí lên sóng truyền hình. Phản ứng tức giận của khán giả thời gian qua cũng hoàn toàn có cơ sở, khi một thời, cũng là hài nhưng công chúng có được những tiếng cười ý nhị, cũng là nhạc nhưng công chúng tìm thấy sự tinh tế, thăng hoa. Còn bây giờ, hài thì dễ dãi, nhạc thì ồn ào.

Đáng lo nhất là gameshow hài đang bị thả nổi, phủ sóng hầu hết giờ vàng các ngày trong tuần, từ đài trung ương, đến địa phương. Đặc biệt là các tiểu phẩm ngày càng nhạt và dung tục, quay đi quay lại vẫn “những gương mặt cũ”, rồi lôi chuyện yêu đương của nhau ra “đá xéo”, mua vui.

Có thể dễ dàng điểm mặt loạt gameshow tai tiếng xuất hiện trên truyền hình những năm gần đây. Trong số đó, vì vấp phải phản ứng của khán giả, một số đã buộc ngừng sản xuất, bị cắt sóng. Đó là chương trình “Người giấu mặt” có màn lột đồ để đọ cân, ngay trên sóng truyền hình. “Tôi dám hát” và “Đố ai hát được” khiến khán giả rùng mình vì đã để thí sinh vừa hát vừa bị tra tấn tinh thần bằng cách sờ mó, tiếp xúc với trăn, rắn…

“Nhân tố bí ẩn” thì có ban nhạc lấy khăn Piêu đội đầu của đồng bào dân tộc Thái làm khố. “Song đấu” có những cảnh phản cảm, đỉnh điểm nhất là màn lột dừa dẫn đến gãy răng, đứt tay của người chơi. Các chương trình ca nhạc liên tục “nóng” bởi việc lộ kết quả, bị người chơi, khán giả phản ứng.

Chương trình Đố ai hát được từng bị kịch liệt phản đối vì có những thử thách rùng mình dành cho người chơi.
Chương trình “Đố ai hát được” từng bị kịch liệt phản đối vì có những thử thách rùng mình dành cho người chơi.

Khi gameshow hài lên ngôi, nghệ sĩ diễn hài không còn bám sân khấu kịch mà dịch chuyển lên sân khấu truyền hình. Sự nở rộ của các game show còn tạo nên cơn khát về nhân lực, nhà sản xuất “vơ bèo vạt tép”, đưa cả những nghệ sĩ còn non nghề, chưa có kinh nghiệm cũng như đóng góp cho nghệ thuật làm giám khảo đủ các chương trình. Hậu quả như đã thấy, khán giả là người lãnh đủ.

Đành rằng, gameshow chỉ mang tính giải trí, nhìn một cách công bằng nó cũng góp phần làm phong phú “thực đơn” giải trí của khán giả, nhưng không phải vì thế mà nghệ sĩ dễ dãi trong lời ăn tiếng nói, gu thẩm mỹ và thưởng thức nghệ thuật của mình. Vì dù gì, đó vẫn là một hình thức tuyên truyền văn hóa, có sức tác động tới nhận thức, cần gắn với việc giáo dục, định hướng thẩm mỹ của công chúng. Và hơn hết, để gameshow nhảm lên sóng có phần trách nhiệm của nhà đài.

Khán giả cần mạnh mẽ tẩy chay!

Với scandal giữa ca sĩ Hương Giang Idol và nghệ sĩ Trung Dân, trong khi cả hai đã lên tiếng xin lỗi, thì phía nhà sản xuất chương trình “Siêu sao đoán chữ” vẫn im lặng, dù chương trình gameshow của họ có những chi tiết nhảm, “bẫy” người chơi.

Tối 15.5, sau scandal xúc phạm nghệ sĩ tiền bối của Hương Giang, chương trình vẫn lên sóng bình thường trên HTV7 và rating tăng vọt. Dù Hương Giang không xuất hiện trong tập này, nhưng nhà sản xuất vẫn chưa có một động thái kiên quyết trong việc chọn nghệ sĩ chân chính, từ chối người đã có tai tiếng, dù đó là gương mặt hút rating. Họ đá quyền quyết định cho nhà đài.

Những đáp án và câu hỏi gây sốc của chương trình Siêu sao đoán chữ. Ảnh: C.T
Những đáp án và câu hỏi gây sốc của chương trình “Siêu sao đoán chữ”. Ảnh: C.T

Và khi nhà sản xuất vì lợi nhuận, có thể sẽ sẵn sàng câu rating bằng scandal, thì nhà đài lúc này phải đóng vai trò “gác cửa”, cần có động thái, kiên quyết “dẹp” những chương trình không có tính giáo dục, “cấm sóng” với những nghệ sĩ có lời ăn tiếng nói bỗ bã, dung tục, để khán giả truyền hình không phải hứng “rác văn hóa”.

“HTV nên dứt khoát loại bỏ chương trình có cái tên “Siêu sao đoán chữ” này đi, bởi nó chính là RÁC theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng” – nhà văn Nguyễn Quang Vinh thẳng thắn.

Thời gian qua, một làn sóng tẩy chay các chương trình truyền hình thực tế vô bổ, dung tục được công chúng và nghệ sĩ đồng thuận ủng hộ. Cực chẳng đã, khán giả mới phải dùng đến quyền này, bởi nhà sản xuất, nhà đài và nghệ sĩ chưa làm đúng vai trò của mình.

Trong tình hình sân khấu chính thống lâm vào cảnh khó khăn, dù rằng nghệ sĩ cũng phải tính cách để giữ “nồi cơm của mình” và nhà sản xuất phải nghĩ cách tăng rating để thu quảng cáo và cạnh tranh được với tình trạng bùng nổ gameshow, song nói như NSND Hồng Vân: “Ai cũng phải làm việc để kiếm sống, nhưng họ nên có trách nhiệm với văn hóa của mình”.

Theo Bích Hà
Lao Động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *