Đừng trách những người thức đêm rồi đi làm muộn, họ xứng đáng có được khoảng thời gian làm việc hợp lý hơn

Nghiên cứu tại Đại học Sydney cho thấy hiệu quả làm việc của mỗi người phụ thuộc vào chu kỳ sinh hoạt của họ, các nhà quản lý có thể tận dụng điều này để sử dụng đúng người cho từng khoảng thời gian trong ngày.

Hầu hết dân văn phòng chúng ta đều thuộc một trong 2 nhóm sau: Nhóm thứ nhất khi đến công ty thật tỉnh táo, sớm sủa và sẵn sàng làm việc nhưng sau đó vào lúc 3 giờ chiều là thấy mệt mỏi và phải vất vả lắm mới tập trung được. Và nhóm thứ 2 là “cú đêm” chuyên nghiệp, chẳng làm được gì nhiều trước 10 giờ sáng nhưng lại rất năng suất vào buổi chiều.

Theo một nghiên cứu mới, có một lý do giải thích tại sao điều này xảy ra và kết quả cho thấy các nhà quản lý nên chú ý hơn đến đồng hồ sinh học của các nhân viên.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học ở Đại học Sydney đã xem xét “sự đa dạng về chu kỳ thức-ngủ” của nhiều người làm các công việc khác nhau, tức xu hướng sinh học phân chia các giai đoạn hoạt động và nghỉ ngơi.

Họ nhận thấy thời điểm làm việc năng suất của mỗi người tùy thuộc vào loại chu kỳ thức ngủ của họ. Những người dạy sớm thì hay mệt mỏi vào buổi chiều, còn những người hay thức khuya lại làm việc tốt nhất vào buổi tối, và những người “trung tính” thì đạt năng suất cao nhất vào buổi trưa.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Academy of Management Review, và có xem xét sự đa dạng về chu kỳ thức ngủ ảnh hưởng như thế nào đến hiệu suất công việc của cả tập thể, nhất là về các yếu tố hợp tác, xử lý thông tin và thái độ giúp đỡ đồng nghiệp.

Họ nhận thấy với những việc cần có sự hợp tác của nhiều người, các nhân viên cần phải có cùng chu kỳ sinh hoạt để họ đạt năng suất cao cùng lúc. Công việc này bao gồm nhân viên cứu hộ khẩn cấp và đội phẫu thuật.

Tuy nhiên, với những công việc đòi hỏi sự chú ý liên tục và một thành viên của đội luôn phải tỉnh táo, chẳng hạn như thành viên đội bay đường dài, y tá và cảnh sát đang theo dõi tội phạm, thì sẽ tốt hơn nếu có nhiều thành viên với chu kỳ thức ngủ khác nhau trong đội.

Tác giả của nghiên cứu, Stefan Volk, nói rằng kết quả này cho thấy các nhà quản lý cần xem xét khi nào thì nhân viên của mình đạt hiệu suất làm việc cao nhất, để có những bố trí và trợ giúp thích hợp.

Ông nói: “Khi mỗi người là một thực thể khác biệt, những gì họ mang lại là tiêu cực hay tích cực sẽ phụ thuộc vào từng nhiệm vụ họ được giao. Nếu thành viên của một đội phẫu thuật có chu kỳ thức ngủ khác nhau, thì hiệu quả công việc sẽ không cao”.

“Nhờ nghiên cứu những gì đã biết từ y học và sinh học về cơ chế hoạt động của cơ thể người, tôi tin rằng chúng ta có thể cải thiện năng suất làm việc của nhân viên bằng nhiều cách, chẳng hạn như tăng cường các biện pháp an toàn ở nơi làm việc và tổ chức các hoạt động làm việc tập thể”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *