Viết Gì Vào CV Khi Bạn Chẳng Có Kinh Nghiệm Gì Liên Quan

Công việc bạn mơ ước bấy lâu nay đã bắt đầu tuyển người, và bạn đang rất sung sướng, hào hứng để chuẩn bị ứng tuyển. Tuy nhiên vấn đề nảy sinh là: lâu nay bạn mải học quá (hoặc vì một lý do nào đó), bạn đến giờ bạn vẫn chẳng có tí kinh nghiệm làm việc nào liên quan. Có thể bạn là sinh viên mới tốt nghiệp, chưa từng làm việc part-time hoặc intern ở đâu, hoặc cũng có thể làm rồi mà toàn công việc vớ vẩn ở những cửa hàng ăn hay shop quần áo, vậy biết viết gì vào CV để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng đây?

May mắn là, có một số giải pháp cho bạn dùng đây. Đương nhiên nó không thể giúp bạn viết xong phát nộp CV được gọi ngay được, nhưng nó sẽ giúp cho bản CV của bạn trở nên chỉnh chu và ‘sáng’ hơn một chút trong mắt nhà tuyển dụng.

Viết các kĩ năng có liên quan (Transferable Skills)

Thường thì đa số các CV thường mở đầu với phần thông tin cá nhân, sau đó đến học vấn và kinh nghiệm làm việc. Nhưng vấn đề ở đây là học vấn thì bạn có, nhưng kinh nghiệm làm việc thì không (hoặc không liên quan), vậy thì có nên chọn cách mở đầu như vậy? Có một giải pháp cho bạn đó là hãy mở đầu CV bằng việc mô tả những kĩ năng liên quan đến công việc mà bạn có.

Đừng nói với tôi là bạn không có kĩ năng nào liên quan nhé. Kinh nghiệm thì có thể người có người không, nhưng kĩ năng thì ai cũng phải có một ít, không kĩ năng này thì kĩ năng khác. Mà đương nhiên là bạn phải có kĩ năng gì đó liên quan đến công việc này thì bạn mới hứng thú với nó chứ, đúng không? Kĩ năng liên quan hay còn gọi là transferable skills là những kĩ năng bạn có được từ các công việc trước (không cần là công việc liên quan), hoặc bạn có được những kĩ năng đó từ việc tham gia các dự án hoạt động xã hội hoặc thông qua việc học các môn học ở trường. Nếu bạn là người đang có ý định ứng tuyển trái ngành, hãy liệt kê những kĩ năng liên quan nhất vào phần Career Summary ở đầu CV. Nếu bạn là sinh viên mới ra trường, đừng để phần Skills ở cuối CV nhé, hãy cho nó lên đầu ngay.

Các hoạt động ở trường và môn học

Nếu bạn là người chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, đừng bỏ qua những ‘kinh nghiệm’ nhỏ nhặt khác như khi bạn thực hiện một dự án gì đó ở trường hoặc ngoài xã hội, và những gì bạn học được từ một môn học rất hay ở trường. ‘Kinh nghiệm’ bao gồm rất nhiều lĩnh vực, bao gồm cả hoạt động và các môn học nữa, nên bạn đừng nghĩ kinh nghiệm làm việc lúc nào cũng phải là công việc full time hoặc part-time kiếm ra tiền nhé.

Nếu bạn đã làm một dự án gì đó trên ghế nhà trường rồi, hãy tạo thêm một mục là ‘Projects’ ở trong CV nữa. Trong mục này bạn có thể viết đúng như format mà bạn dự định viết ở trong phần Work Experience ấy. Bạn đã làm những gì ở project đó? Project đó về lĩnh vực gì? Nếu là nghiên cứu công ty thì là công ty gì, làm việc ở lĩnh vực nào? Bạn làm nhóm bao nhiêu người? Thời gian thực hiện project đó bao lâu? Những kĩ năng gì bạn đã sử dụng. Hãy cụ thể nhất có thể.

Một lá thư ‘Cover Letter’ thật mùi mẫn

Okay, phần này mình không nói về CV nữa. Nhưng vì CV của bạn yếu do thiếu kinh nghiệm, bạn nên bù lại bằng một bản Cover Letter thật hay và mùi mẫn. Nếu bạn viết được một Cover Letter thể hiện được sự liên quan giữa niềm đam mê của bạn với công việc, với công ty và những hiểu biết của bạn trong lĩnh vực đó, bạn sẽ được nhà tuyển dụng chú ý.

Lưu ý nữa nè, Cover Letter là nơi bạn phải MÔ TẢ CỤ THỂ, không phải nơi là bạn liệt kê. Vậy nên nếu bạn có định viết về kinh nghiệm hay dự án nào trong này, hãy chọn ra 1 (chỉ 1) kinh nghiệm duy nhất để viết và mô tả cụ thể thôi nhé. Đừng liệt kê tất cả, vì như vậy thì chẳng có gì khác CV nữa cả. Vì bạn không có kinh nghiệm hoặc kinh nghiệm liên quan, bạn cần phải thể hiện được trong Cover Letter niềm đam mê học hỏi của bạn và vì sao tính cách của bạn lại có liên quan đến công việc này.

Tìm việc là một quá trình dài và đỏi hỏi sự kiên nhẫn, không chỉ dành riêng cho sinh viên mới ra trường mà cả những người đang muốn chuyển sang lĩnh vực khác để làm cũng vậy. Một cách tốt nhất để giúp bạn vượt qua điểm yếu về kinh nghiệm của mình đó là tập trung hết mực có thể cho những kĩ năng liên quan và các dự án mà bạn đã làm trước đây, viết lại format CV theo hướng có lợi nhất cho mình. Ngoài ra, một lá thư ‘Cover Letter’ hay sẽ giúp bạn có thêm sự chú ý từ nhà tuyển dụng đó.

Theo 8morning.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *