“Em tưởng” – Căn bệnh thường gặp của nhân viên và cách chữa trị
Trong công việc, mỗi khi có lỗi xảy ra, bạn có thể được nghe thấy câu bao biện kinh điển “Em tưởng”. Thường thì bệnh “em tưởng” hay xuất hiện ở các bạn mới đi làm khi mà các bạn làm việc hoàn toàn dựa trên cảm tính chứ không phải bởi chuyên môn cụ thể. Căn bệnh đó nếu không được chú ý “chữa trị” sẽ để lại rất nhiều những hậu quả khôn lường.
1. Làm việc phải có tâm. Đừng có suốt ngày “em tưởng”!
Khi một vấn đề xảy ra, hãy đến trực tiếp hiện trường tìm hiểu vấn đề, đừng cố đưa ra các phỏng đoán dựa trên việc gọi điện hay các báo cáo trên bàn giấy. Lí do là sẽ có một khoảng cách rất lớn giữa những gì mình “tưởng” và những gì thực sự xảy ra ở hiện trường. Thêm nữa là sự việc qua cách nhìn một người khác, và được báo cáo lại, sẽ bao gồm cả cách nhìn riêng của người đó, làm cho các ý kiến trở nên thiếu khách quan và chính xác.
Căn bệnh “em tưởng” bắt nguồn từ thói quen lười động não của các nhân viên. Khi mà khối lượng công việc trong một ngày quá nhiều khiến họ không muốn tốn thời gian để kiểm tra lại các thông tin mà họ nhận được. Làm việc trên những dữ liệu thiếu chính xác khiến công việc trở nên tồi tệ hơn, khi đó việc đùn đẩy trách nhiệm cho nhau liền trở nên dễ hiểu.
Người Nhật có hẳn một triết lý Genchi Genbutsu Genjitsu nhằm tránh bệnh “Em tưởng” tồn tại trong công ty. Triết lý này dịch sang tiếng Anh là “Have you seen it yourself?” (Bạn đã tận mắt thấy nó chứ?), với ý nghĩa rằng, nếu bạn không thấy tận mắt một vấn đề gì đó, thì những hiểu biết của bạn về nó đều đáng nghi ngờ.
Mọi báo cáo đều mang tính tương đối và chủ quan. Chỉ khi nào bạn nhìn thấy tận mắt, nghe tận tai thì mới có cái nhìn chính xác nhất về nó. Nguyên lý này bắt mỗi nhân viên có trách nhiệm hơn với công việc của mình, chỉ khi nào thật sự nắm rõ vấn đề mới nên đưa ra quyết định.
2. Dạy nhân viên ngay từ đầu và bắt họ chịu trách nhiệm cho những quyết định
Giai đoạn đầu tiên khi tuyển một nhân viên vào là “huấn luyện”, cung cấp một lượng kiến thức chuyên môn đầy đủ để họ có thể làm việc và thích nghi với môi trường. Giai đoạn này vô cùng quan trọng, người tuyển dụng cần cung cấp và giải thích rõ ràng những vấn đề cơ bản và cốt lõi. Đừng để nhân viên mới mày mò một mình, việc đó vừa tốn thời gian, vừa gây ra nhiều chuyện rắc rối sau này mà chỉ công ty là bên chịu thiệt.
Luôn nhắc nhở nhân viên kiểm tra công việc và hỏi nếu gặp vấn đề không biết. Đừng để nhân viên sợ bạn, chỉ khi nào họ dám mở miệng hỏi những rắc rối mà họ đang gặp phải, bạn mới có thể hạn chế tối đa những rủi ro mà những nhân viên mới có thể gây ra. Đưa tất cả các công việc vào quy trình rõ ràng, dạy cho các nhân viên “học đi trước khi học chạy”, chỉ khi nào họ vững vàng những kiến thức chuyên môn thì họ mới có thể phát huy và sáng tạo.
Bên cạnh đó, luôn bắt các nhân viên mới chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình. Đừng lấy lý do người mới mà bỏ qua cho những lỗi lầm sai sót. Hình phạt không cần quá nặng, song phải đảm bảo những nhân viên mới nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề và họ phải chịu trách nhiệm thế nào nếu việc đó diễn ra lần hai. Chỉ như vậy, những nhân viên mới mới có thể bỏ đi căn bệnh “Em tưởng” của chính mình và luôn cẩn thận mỗi khi làm việc.
Bệnh “Em tưởng” là thói quen do tính lười nhác tạo ra. Cách duy nhất trị dứt căn bệnh này là khiến mỗi nhân viên đều có tính thần trách nhiệm cao với công việc của mình. Thay đổi được bản chất từ con người thì mọi vấn đề cũng không còn quá khó khăn. Hãy cố gắng tạo môi trường làm việc thật tốt vừa giúp bản thân quản lý nhân viên dễ dàng hơn vừa giúp hoạt động của công ty được vận hành hiệu quả.
Theo vieclam24h