Phong Thái Khi Đi Phỏng Vấn
Mục tiêu của mọi ứng viên là tìm được công việc ưng ý. Nhưng thực tế, từ mục tiêu đến kết quả cuối cùng là cả một hành trình có thể kéo dài từ ngày này qua tháng nọ. Để có được vị trí top trong danh sách dài của nhà tuyển dụng (NTD), bạn cần chứng tỏ “đẳng cấp” chuyên nghiệp của mình qua mỗi lần tiếp xúc.
Sau khi qua vòng sơ tuyển – lọc hồ sơ, bạn được chọn vào “vòng loại trực tiếp” – phỏng vấn. Cung cách ứng xử và thái độ của bạn sẽ là yếu tố quyết định bạn có “qua” được vòng này hay không
Điều quan trọng khi đi phỏng vấn (bên cạnh việc đến đúng giờ, trang phục chỉnh tề) là giữ thái độ bình tĩnh và tránh phạm phải những lỗi dưới đây.
1. “Đi cho biết”
Không gì khiến NTD rất bực mình bằng việc trò chuyện với một ứng viên mà người này không tỏ vẻ quan tâm, hoặc chỉ trả lời hời hợt. Hỏi ra thì ứng viên chỉ “đến để biết công ty ra sao rồi mới cân nhắc có chấp nhận làm việc hay không”. Anh Ân, Trưởng phòng Nhân sự công ty EDF, đã từng ngồi chờ một ứng viên hết cả 20 phút trước khi phát hiện ra rằng “nhân tài” của mình đang đi lòng vòng trong công ty để “hỏi thăm” tình hình làm việc trước khi vào gặp NTD. Đến đây thì không phải bàn cãi gì thêm, tên của ứng viên này được lưu vào “sổ bìa đen” vô thời hạn.
2. Nghe điện thoại khi phỏng vấn
Hà được NTD đánh giá là một ứng viên sáng giá cho vị trí Phó phòng Kinh doanh. Nhưng cuối cùng, chiếc ghế phó phòng lại về tay một người khác còn Hà thì vẫn đang “lận đận” gõ cửa nhiều công ty. Lý do nhiều NTD từ chối Hà là vì cô nàng liên tục nghe điện thoại và trả lời tin nhắn khi đang phỏng vấn đến nỗi NTD phải nhắc khéo Hà tắt điện thoại.
Việc nghe điện thoại khi đang phỏng vấn là một trong những điều tối kỵ. Nếu bạn đang chờ một cuộc gọi cực kỳ khẩn cấp hoặc có công việc cực kỳ gấp phải giải quyết qua điện thoại, hãy hỏi ý NTD trước khi buổi phỏng vấn bắt đầu. Chỉ nên nghe điện thoại khi NTD đồng ý và cố gắng kết thúc cuộc gọi sớm. Thông thường NTD phải tiếp xúc khá nhiều ứng viên và sẽ không có đủ thời gian nếu bạn cứ “cà kê” trên điện thoại. Nếu bạn không ở trong bất kỳ tình huống “cực kỳ” nào bên trên, hãy tắt điện thoại trước khi vào phỏng vấn.
3. Nói lan man
“Hãy cho tôi biết về bạn!” là một câu hỏi nhiều NTD rất “sợ” phải hỏi nhưng không hỏi thì không được. Nhiều ứng viên vừa nghe đến câu hỏi này là lập tức “tuôn” tràng giang đại hải về tiểu sử bản thân, sở thích, thói quen của mình. Ngược lại, những thông tin cần thiết cho NTD như công việc, những điều bạn thích khi làm việc và những gì động viên tinh thần làm việc thì lại không thấy nói đến.
4. Quá tự hào về bản thân
Bạn hoàn toàn có quyền tự hào về những thành tích mình đạt được nhưng nên thể hiện một cách khiêm tốn. Bạn có thể nói “Tôi không tự nhận mình là người giỏi nhất, nhưng tôi luôn cố gắng hết sức và nỗ lực của tôi được đền đáp với giải nhất cuộc thi XYZ.” Ngược lại, nếu bạn vỗ ngực: “Sau khi qua mặt 2 ứng viên nặng ký cho ghế Giám đốc và thắng luôn ứng viên sáng giá cuối cùng bằng bảng kế hoạch kinh doanh xuất sắc, vị trí Giám đốc Kinh doanh tại công ty ABC đương nhiên trở thành của tôi”, chỉ cần đến đây, NTD có thể nhẹ nhàng gạch tên bạn ra khỏi danh sách.
Bên cạnh đó, có những ứng viên chọn cách “thêu dệt” thêm thành tích nhằm làm lý lịch của mình “đẹp” hơn, nhưng NTD tinh ý luôn dễ dàng phát giác những chi tiết “giả tưởng” này. Không gì sáng suốt bằng việc nói đúng sự thật và khiêm tốn.
Trang phục khi đi phỏng vấn
Chuẩn bị trang phục chu đáo cho một buổi phỏng vấn không chỉ tạo nên ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng mà còn giúp bạn cảm thấy tự tin hơn.
Những nguyên tắc chung
Hãy mặc những trang phục đem đến cho bạn sự thoải mái. Những bộ đồ không quá chật, không khiến bạn phải mất thời gian đưa tay chỉnh sửa mỗi lần đứng lên ngồi xuống sẽ đem đến cho bạn sự tự tin hơn.
Bạn nên tránh mặc những trang phục màu sắc nổi bật, vải bóng hoặc hoa văn sặc sỡ. Xanh nhớt, xám sậm được khuyên nên dùng vì chúng khiến bạn trông chững chạc hơn (các sếp thường có cảm tình với những nhân viên có phong thái chững chạc, tự tin).
Tránh xức quá nhiều nước hoa hoặc dùng nước hoa mùi mạnh. Nước hoa có thể làm ảnh hưởng đến cảm xúc của người phỏng vấn, vì thế, tốt nhất là bạn nên giữ cho mình một khoảng cách an toàn.
Mang theo giấy tờ (bản photo của sơ yếu lý lịch, thư giới thiệu…), cây bút và một ít giấy trắng để sẵn trong bìa hồ sơ mỏng. Điều này sẽ giúp bạn có thể ghi lại những điều cần thiết chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn.
Bí quyết về trang phục phỏng vấn dành cho phụ nữ
Mặc đầm khi đi phỏng vấn không phải là một ý kiến tốt. Các công sở cũng không chấp nhận nhân viên mặc quần jean, vì chúng trông thiếu nghiêm túc. Tốt nhất là bạn nên mặc sơ-mi và quần hoặc váy chữ A ngang đầu gối. Nếu phỏng vấn xin vào những vị trí như nhân viên kinh doanh, nhân viên chăm sóc khách hàng, bạn sẽ được hoan nghênh nếu mặc vest màu xanh nhớt, xám, đen đi cùng với áo sơ mi trắng, hoặc xanh.
Không nên mang giày quá cao. Những đôi giày cao khoảng 5cm có màu hợp với trang phục sẽ giúp bạn vững tin hơn là những đôi giày cao lênh khênh.
Đừng quên mang thắt lưng trong trường hợp đóng thùng. Màu thắt lưng phải hợp với màu giày (ví dụ: đen đi với đen).
Hãy chú ý đến tóc. Nếu tóc dài, bạn có thể cột chúng lại đằng sau cho gọn gàng. Tránh trường hợp bạn đi xe máy đến và tóc bạn rối bời xõa ngang lưng.
Mang càng ít trang sức càng tốt. Tránh mang những trang sức đong đưa hoặc tạo nên tiếng kêu mỗi khi bạn bước đi. Nếu bạn đeo hoa tay ở mũi, lông mày, lưỡi, nhất định bạn phải tháo chúng trước khi đến buổi phỏng vấn.
Hãy tạo một vẻ ngoài chu đáo cho bản thân: cắt tỉa mỏng tay cẩn thận, tránh sơn móng tay với màu sặc sỡ (nếu đang sơn móng tay, tốt nhất là bạn nên chùi sạch màu sơn).
Chỉ trang điểm đơn giản, không dùng những màu nổi bật như: mắt xanh, môi tím. Không nên dùng mỹ phẩm có kim tuyến lấp lánh.
Bí quyết về trang phục phỏng vấn dành cho nam giới
Hãy chọn áo sơ-mi có màu sắc cổ điển như xanh đậm, xám nhạt, ghi… để tạo cho mình một vẻ ngoài chững chạc. Nếu tham gia buổi phỏng vấn chọn nhân viên cao cấp (giám đốc, trưởng phòng…), bạn nên thắt cà vạt. Màu cà vạt phải hài hòa với màu áo sơ mi. Không nên chọn cà vạt có màu sắc sặc sỡ.
Thắt lưng và giày phải có màu tệp với màu quần tây. Hãy chú ý đến đôi giày của mình, không nên mang những đôi giày cũ kỹ, sờn da. Ít nhất, bạn cũng nên đánh xi giày cho mới.
Khi xin vào những vị trí đơn giản như nhân viên bình thường, bạn cũng phải chú ý cách ăn mặc của mình. Bạn vẫn có thể mặc áo sơ-mi trắng và quần tây, giày sandal, nhưng chú ý, mọi thứ phải trông sạch sẽ và gọn gàng.
Bạn không nên đi phỏng vấn với mái tóc dài rủ xuống mặt, trừ khi bạn là dân làm nghệ thuật và muốn xin vào một công ty quảng cáo.
8 lỗi nên tránh khi đi phỏng vấn xin việc
Buổi phỏng vấn xin việc mang tính quyết định thành bại của bạn trong quá trình tìm kiếm việc làm, đồng thời cũng luôn khiến bạn lo lắng.
Có rất nhiều lời khuyên giúp những người tìm việc thành công trong buổi phỏng vấn.
Dưới đây là 8 lỗi nghiêm trọng mà các ứng viên cần tránh mắc phải để có được ấn tượng tốt đẹp với những ông chủ tương lai của mình.
1. Đến trễ
Không có cách gì dễ dàng để mất điểm trong mắt vị sếp tương lai của bạn bằng việc đến trễ.
Ấn tượng đầu tiên luôn còn mãi. Và đáng tiếc thay, đến phỏng vấn muộn nói lên rằng “Tôi không đáng tin” hoặc “Tôi chẳng quan tâm đến thời giờ của ông.”
Hãy chắc chắn rằng bạn sẽ cố gắng đến sớm trong mọi cuộc phỏng vấn. Bằng cách đó, những yếu tố khách quan như thời tiết xấu, tắc đường hay nhận được một cú điện thoại vào phút cuối sẽ ít có cơ làm hỏng con đường tìm việc của bạn.
2. Tỏ thái độ không mấy thích thú
Dù có bất cứ điều gì xảy ra, đừng tỏ thái độ chán ngán trong buổi phỏng vấn. Ngay cả khi bạn cảm thấy chẳng gì có thể khiến bạn nhận công việc này, hãy giữ thái độ chăm chú và cố gắng tỏ ra quan tâm đến cuộc nói chuyện.
Nếu bạn có những cử chỉ không mấy đẹp mắt, người phỏng vấn bạn sẽ nhớ chúng và đem kể lại với nhiều người khác. Hãy nhớ rằng người phỏng vấn bạn không sống trên hoang đảo. Anh ta còn có bạn bè, người thân và các đối tác làm ăn. Biết đâu một trong số đó sẽ là người có ảnh hưởng tới công cuộc tìm kiếm việc làm của bạn sau này thì sao.
3. Đi phỏng vấn khi chưa chuẩn bị kĩ càng
Ở đây, chuẩn bị có nhiều cách hiểu khác nhau.
Trước tiên, mọi nhà tuyển dụng đều yêu cầu bạn phải có những hiểu biết nhất định về công ty cũng như vị trí mà bạn nộp đơn xin việc. Nắm chắc những thông tin dạng này thể hiện với nhà tuyển dụng rằng bạn thực sự muốn có công việc này.
Hãy tìm kiếm thông tin qua nhiều nguồn khác nhau như Internet, các báo, tạp chí và cả những người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực mà bạn xin vào làm.
Ngoài ra, sự chuẩn bị còn bao gồm việc tự mình đặt ra các câu hỏi tiềm năng và chuẩn bị trước câu trả lời. Bạn cũng có thể tìm kiếm những câu hỏi cũng như câu trả lời thường gặp trong các bài báo trên mạng hoặc tại các hiệu sách. Và cũng đừng quên mang theo một bản copy lý lịch và các tài liệu liên quan phòng trường hợp cần thiết.
4. Chẳng quan tâm đến phong cách ứng xử của bản thân
Cho dù những từ như “xin phép”, “thưa ông”, và “cảm ơn” có vẻ lỗi mốt đến đâu, đừng bao giờ xoá chúng khỏi từ điển ngôn ngữ của bạn.
Những từ ngữ đơn giản kể trên có thể giúp bạn để lại ấn tượng tốt trong lòng nhà tuyển dụng. Đừng ngắt lời người phỏng vấn bạn nếu không cần thiết và hãy nhớ đừng nhìn ngó lung tung.
Cố gắng giữ thái độ hoà nhã và tránh dùng tiếng lóng, nhai kẹo cao su và đi đứng lòng khòng khi đến phỏng vấn. Đừng bao giờ xem nhẹ tầm quan trọng của những cử chỉ lễ độ bởi chúng thể hiện sự tôn trọng bản thân cũng như những người xung quanh bạn.
5. Ăn vận quá cầu kì
Dù muốn dù không, buổi phỏng vấn xin việc không phải là nơi bạn thể hiện cá tính. Luôn ghi nhớ rằng mục tiêu của bạn là tìm được việc làm chứ không phải thể hiện phong cách thời trang của mình.
Chính vì thế, bạn không nên ăn vận quá cầu kì bởi điều đó sẽ phân tán sự tập trung của người phỏng vấn dành cho bản thân cũng như trình độ của bạn.
Những thứ nên tránh trưng ra trong buổi phỏng vấn gồm: những light tóc màu lạ lẫm, đeo quá nhiều trang sức và lớp trang điểm dầy cộp cùng với những bộ đồ quá gợi cảm chỉ hợp khi đi chơi.
6. Nói dối
Không bao giờ cho phép mình nói dối trong một buổi phỏng vấn. Thông thường những lời nói dối thường rất vụng về và dễ bị phát hiện. Nếu nhà tuyển dụng bóc mẽ bạn ngay trong buổi phỏng vấn, cơ hội có việc làm của bạn gần như dưới 0. Chẳng có ai muốn thuê người mà họ không tin tưởng cả.
Trường hợp phải đến khi bạn vào làm người ta mới phát hiện bạn nói dối trong buổi phỏng vấn, đó có thể là cái cớ để đuổi việc bạn. Ngay cả khi bạn vẫn giữ được việc, bạn cũng sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn bởi chính bạn đã huỷ hoại lòng tự trọng của mình trong mắt sếp.
7. Ngại ngùng
Khi đi phỏng vấn, đừng tỏ ra quá khiêm nhường. Hãy kể về những kĩ năng nghề nghiệp và thành tích của bạn bởi sẽ chẳng có ai nói thay bạn những điều này cả.
Không nên chỉ dựa vào bản lí lịch, nó chỉ là phương tiện giúp bạn có cơ hội vào vòng phỏng vấn mà thôi. Khi đã tiến tới đó, chính bạn mới là người thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn xứng đáng có được công việc đó.
Nếu bạn sợ bị hiểu nhầm là kiêu căng thay vì tự tin, tốt hơn hết, hãy tập trước với một người bạn hoặc người thân, bởi họ sẽ là người đưa ra những lời nhận xét chân thành giúp bạn sửa đổi.
8. Quên nói lời cảm ơn
Ngay khi buổi phỏng vấn kết thúc, nhớ bỏ ra vài phút để viết lại những ấn tượng của bạn đối với người phỏng vấn, những điều bạn đã chia sẻ và bất cứ điểm gì bạn thấy thích thú trong buổi phỏng vấn.
Thời gian lý tưởng nhất đế làm việc này là ngay khi ra khỏi phòng phỏng vấn bởi lúc này cảm xúc của bạn vẫn còn nguyên vẹn. Những thông tin này sẽ được bạn sử dụng khi viết thư cảm ơn người phỏng vấn và tốt hơn hết hãy gửi thư ngay ngày hôm sau.
Nhớ rằng sự may mắn thể hiện niềm thích thú.
Những điều chưa biết khi đi phỏng vấn xin việc
Có nên uống ly cà phê do nhà tuyển dụng mời? Có nên hành động thân thiện? Khi được hỏi thì cần phải nhìn vào ai để trả lời? Là những điều nhỏ, nhưng người đi phỏng vấn cần phải hết sức lưu ý.
Trong lúc phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường sẽ tìm hiểu xem bạn là ai, có năng lực gì. Và không khó để trả lời những câu hỏi có sẵn trong lý lịch. Nhưng trên thực tế, một cuộc phỏng vấn sẽ không bao giờ dừng lại ở đó. Lúc phỏng vấn, bạn có nên uống ly cà phê họ mời? Có nên hành động thân thiện? Khi được hỏi thì cần phải nhìn vào ai để trả lời?
Dưới đây là những kỹ năng phỏng vấn xin việc hết sức cần thiết mà mỗi người nên trang bị cho mình trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện với các lãnh đạo tương lai của bạn.
1. Ngoài nước lọc, nếu được mời uống thêm cà phê, bạn hãy từ chối
Một ly cà phê sẽ giúp bạn tỉnh táo, nhưng hãy uống trong bữa sáng, trước khi rời nhà, hoặc trong phòng chờ của văn phòng trước khi được mời vào phỏng vấn. Việc được mời uống cà phê tại cuộc phỏng vấn đôi khi chỉ là phép lịch sự xã giao của các lãnh đạo. Cho nên bạn hãy khéo léo từ chối để họ không phải mất thêm thời gian chờ bạn nhâm nhi ly cà phê của mình.
2. Đừng ngồi xuống trước khi được mời
Đừng vội vàng ngồi ngay vào ghế khi người ta còn chưa mời bạn. Và một khi ngồi xuống thì hãy cố gắng giữ tư thế thẳng lưng và điềm đạm. Đừng e dè ngồi nép mình trên một mép ghế, hay để hai vai buông thõng và mắt cụp xuống không dám nhìn thẳng vào nhà tuyển dụng. Họ sẽ không bao giờ sẵn lòng giao việc cho những cấp dưới nhút nhát và thiếu tự tin.
3. Hãy ước lượng độ tuổi của người phỏng vấn bạn để có cách nói chuyện phù hợp
Những thế hệ khác nhau sẽ có các cách nhìn khác nhau về cuộc sống. Đoán được độ tuổi của họ sẽ giúp bạn gây ấn tượng bằng những câu chuyện phù hợp và dễ dàng cảm nhận được yêu cầu của họ trước ứng viên tiềm năng.
Để có được kỹ năng này, bạn cần luyện tập ở nhà, với ngay chính người thân và khách đến nhà. Tùy vào tính cách từng người mà tập chọn lối nói chuyện dễ nghe, để lại ấn tượng tốt.
4. Khi trả lời phỏng vấn, hãy nhìn thẳng vào mắt các giám khảo
Trong một cuộc trò chuyện trực diện, ánh mắt chính là hình thức kết nối đầu tiên giữa người nói và người nghe. Nếu có nhiều giám khảo cùng phỏng vấn bạn một lúc, hãy cố gắng nhìn từng người khi đáp lại các câu trả lời thay vì chỉ tập trung nhìn người hỏi bạn. Chỉ khi nào hoàn thành phần trả lời của mình mới dừng ánh mắt về phía người hỏi. Tuy nhiên đừng miễn cưỡng đảo mắt liên tục mà hãy cố gắng tạo ra ánh nhìn thân thiện, tự nhiên.
5. Nếu các nhà tuyển dụng muốn thử trí thông minh của bạn với những câu đố mẹo mà bạn đã biết từ trước, đừng vội tỏ ra rằng mình đã có ngay câu trả lời
Hãy để họ làm chủ trong phần thử thách trí tuệ và giữ chiến lược riêng trong đầu mình.
Chuyện đấu trí để chọn nhân viên đối với các lãnh đạo không còn là điều xa lạ. Thế nên hãy biết phản ứng linh hoạt để chứng tỏ rằng mình không quá chậm chạp, cũng không quá khôn ngoan. Một nhân viên nhanh nhẹn, nhưng biết vị trí của mình sẽ dễ được lòng nhà tuyển dụng.
6. Hãy lựa chọn trang phục sáng màu để đi phỏng vấn
Ăn mặc lịch sự khi đi xin việc là điều tối thiểu bạn cần chuẩn bị từ trước. Trong trường hợp không biết nên mặc gì cho phù hợp thì tốt hơn hết bạn nên lựa chọn trang phục sáng màu. Trong khi trang phục sáng màu tạo cho người đối diện ấn tượng nhẹ nhàng, thân thiện và năng động thì trang phục tối màu thường gợi cảm giác quá nghiêm chỉnh và khó gần.
7. Đừng bỏ qua những cử chỉ của đôi bàn tay bạn
Ngửa lòng bàn tay khi nói chuyện thường tao ra sự chân thành trong lời nói của bạn. Trong khi úp bàn tay lên nhau và đặt trên bàn lại cho thấy bạn đang làm chủ tình huống được hỏi. Tuy nhiên khi bắt tay với nhà tuyển dụng, đừng thả lỏng và hạ thấp bàn tay xuống.
Đan các ngón tay vào nhau là biểu hiện của việc bạn đang rất tự tin, không run sợ hay hồi hộp. Bỏ tay vào túi chứng tỏ bạn đang muốn giấu điều gì đó, và gõ các ngón tay lên bàn cho thấy bạn đang mất bình tĩnh. Bạn không nên khoanh tay trước ngực, kể cả khi bất đồng quan điểm với nhà tuyển dụng. Hãy để ý những thông điệp từ đôi tay mình mà qua đó các lãnh đạo sẽ dễ dàng đoán được bạn đang nghĩ gì.
8. Cử chỉ ở đầu và vai cũng mang những thông điệp nào đó
Gãi tai, gãi cằm sẽ khiến bạn mất điểm ngay lập tức. Cúi đầu là tín hiệu của sự rụt rè, còn quá nghiêng đầu về phía trước lại khiến bạn trở nên dư thừa sự tự tin. Mắt nhìn lên trần nhà là biểu hiện của sự nhàm chán, còn đôi mắt chớp liên tục đôi khi lại khiến nhà tuyển dụng có cảm giác bạn đang không thành thật.
Đặc biệt bạn không nên nhún vai và bĩu môi, bởi người phỏng vấn sẽ cho rằng bạn không hiểu vấn đề, mất bình tĩnh, thậm chí bất mãn.
9. Quan sát tính cách của nhà phỏng vấn để có những hành vi phù hợp
Tuy bạn đang ở vị trí “bị” hỏi, nhưng không có nghĩa là bạn bị động trong mọi tình huống. Hãy thử đoán tính cách của lãnh đạo để dễ dàng tự tin trong cuộc trò chuyện. Nếu bạn đang ngồi trước mặt một con người điềm đạm, hãy trả lời những gì được hỏi và đừng kể lể dài dòng. Nhưng nếu đó là một người trẻ năng động thì tốt hơn hết bạn đừng im như thóc và thu mình một chỗ.
Cách bạn đáp lại người phỏng vấn chính là yếu tố quyết định xem bạn có được nhận hay không. Do đó bạn nên suy nghĩ và thận trọng trước khi trả lời.
10. Những tín hiệu cho thấy bạn đang được lòng nhà tuyển dụng
Khi nhà tuyển dụng nghiêng đầu về phía bạn, tắt chuông điện thoại hay gật đầu và cười chứng tỏ họ đã bị bạn thuyết phục. Một số lãnh đạo sẽ mời bạn vào làm ngay lập tức hoặc yêu cầu ghi riêng địa chỉ để liên lạc sau cuộc phỏng vấn. Đừng nghi ngờ gì nữa, bạn đã làm họ hài lòng.
11. Những tín hiệu cho thấy cuộc phỏng vấn của bạn đã thất bại
Nếu nhà tuyển dụng đề nghị dừng cuộc phỏng vấn giữa chừng, nghe điện thoại hoặc lật đống tài liệu không liên quan, điều này đồng nghĩa với việc bạn không gây được sự chú ý đối với họ.
Mánh khi đi phỏng vấn xin việc
Nếu chỉ liệt kê về bằng cấp, kiến thức trong lĩnh vực cụ thể nào đó thì chưa đủ. Người tuyển nhân viên thường chú ý tới những nét tính cách của riêng bạn, để xem bạn có hợp với môi trường làm việc trong công ty hay không.
Nếu chỉ liệt kê về bằng cấp, kiến thức trong lĩnh vực cụ thể nào đó thì chưa đủ. Người tuyển nhân viên thường chú ý tới những nét tính cách của riêng bạn, để xem bạn có hợp với môi trường làm việc trong công ty hay không.
Công ty tuyển việc muốn biết:
– Bạn là người sẽ kiếm tiền cho công ty, hay chỉ giúp công ty tiết kiệm chi phí mà thôi.
– Bạn biết cách làm việc theo nhóm, hay chỉ thiên về hoàn thành nhiệm vụ ở mức độ cá nhân.
– Bạn có hòa đồng được vào văn hóa tập thể của công ty hay không.
Bạn phải thể hiện những gì?
– Bạn đã giúp làm lãi hoặc tiết kiệm cho công ty được như thế nào.
– Những tình huống khủng hoảng nào từng xảy ra ở cơ quan cũ và bạn hành động ra sao để xử lý.
– Bạn đã tham gia vào những dự án theo nhóm nào và hoàn thành công việc ra sao.
– Bạn đã thể hiện khả năng lãnh đạo của mình thế nào trong những tình huống phức tạp để tập hợp mọi người xung quanh nhằm đạt một mục đích chung nhất định.
– Những lầm lỗi mà bạn đã mắc phải và cách bạn tự sửa chữa hậu quả ra sao.
– Những buổi học huấn luyện dưới dạng nào đã giúp bạn trưởng thành trong chuyên môn.
Một cuộc phỏng vấn cần được diễn ra dưới dạng đối thoại, nghĩa là ngoài việc trả lời các câu hỏi mà người tuyển dụng đưa ra, bạn cũng cần chuẩn bị sẵn những câu hỏi thắc mắc của bản thân.
Cuối cùng xin nhắc bạn cần cố gắng bình tĩnh và kiểm soát cảm xúc của mình. Lo lắng quá sẽ khiến bạn quên mất những điều cần nói và tỏ ra là con người thiếu tự tin trong mắt của người tuyển việc.
Lỗi cơ bản khi đi phỏng vấn
Nếu bạn đang chuẩn bị gửi hồ sơ phỏng vấn việc làm, thì cần phải lưu ý 10 nhầm lẫn sau để tránh thất bại.
Cuộc phỏng vấn không phải là một bữa tiệc, nên khi đến muộn chắc chắn sẽ bị mất điểm vì không ai có thời gian ngồi chờ bạn. Cách tốt nhất hãy đến sớm khoảng 10-15 phút và thông báo cho lễ tân là bạn đã có mặt. Hơn nữa, khi đến sớm, bạn sẽ có cơ hội quan sát tác phong làm việc của nhân viên nơi đây, hiểu được môi trường làm việc, và biết đâu dò hỏi hay làm quen được ai đó để có một chút kinh nghiệm về công ty.
2. Khiêm tốn thái quá
Khiêm tốn trong cuộc sống là một điều tốt, nhưng lại không ghi điểm khi đi xin việc vì chắc chắn bạn hiểu rằng phỏng vấn là cơ hội cho bạn tỏa sáng, phơi bày những gì bạn có khả năng làm được, nổi bật hoàn toàn so với các ứng viên khác. Thế nên, cần phải biết đánh tập trung vào những điểm mạnh cũng như thành tựu từng có hoặc những kinh nghiệm trong lĩnh vực tương đương mà bạn tham tuyển. Đừng ngần ngại thể hiện năng lực thực sự. Hãy tự tin lên!
3. Hấp tấp tham gia phỏng vấn
Cũng chỉ có ít hồ sơ được chọn lọc tham dự phỏng vấn, vì vậy bạn cứ bình tĩnh, thoải mái, chứ có gì phải hấp tập vậy? Thư giãn cũng là một lợi thế giúp bạn đủ bình tĩnh để ứng phó các câu hỏi nhà tuyển dụng đặt ra. Khi trả lời, cần nhìn trực tiếp người đối diện. Không nên ngó lơ sang chỗ khác. Ngày nay, bạn có quyền đặt ra các câu hỏi cho nhà tuyển dụng, chứ không hẳn chỉ ngồi lắng nghe như trả bài thầy cô trên lớp.
4. Thảo luận lợi ích quá sớm
Ngay sau vài phút, bạn đã nóng lòng muốn bàn về chuyện lương và bổng lộc. Như vậy sẽ gây ức chế và khó chịu cho nhà tuyển dụng, vì họ còn chưa biết bạn có năng lực gì, trình độ đi tới đâu. Đừng có nóng vội quá mức. Hãy học tính kiên nhẫn. Bổng lộc, lợi ích và tiền lương là khâu cuối cùng trước khi bạn hoàn thành xong mọi thủ tục.
5. Không am hiểu về sếp cũng như công ty tuyển dụng
Hầu như các công ty mời bạn tham gia phỏng vấn đều thông báo trước ngày, giờ cụ thể. Khoảng thời gian đó đủ để cho bạn chuẩn bị tài liệu hiểu biết về nơi mình cần đến. Nếu bạn không biết công ty tuyển dụng hoạt động trong lĩnh vực nào, triển vọng của họ là gì thì mãi mãi họ cũng chẳng muốn tuyển bạn.
6. Nói quá nhiều
Vẫn biết rằng phỏng vấn là cơ hội cho bạn bày tỏ khả năng của mình nhưng chỉ nên dừng ở đó, chứ không nên khoe mẽ tất cả mọi thứ về bản thân. Cách tốt nhất là tìm cách thú vị nhất giới thiệu về sở thích, hy vọng, ước mơ cũng như chiến thuật sau khi bạn trở thành một thành viên mới của công ty. Bấy nhiêu đó cũng đủ rồi.
7. Quá gần gũi
Ai cũng muốn tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, nhưng tỏ ra quá gần gũi, mật thiết lại không phải một cách khôn ngoan, đôi khi còn hiến bạn trở nên lố bịch. Hãy cư xử đúng mực, và giữ một thái độ tốt. Đừng bao giờ có cái nhìn bén gót hoặc chua chát, khinh miệt, rất dễ gây phản cảm.
8. Nói xấu ông chủ cũ
Không ai muốn thuê một người “ăn cháo đá bát”. Vì vậy, bạn chưa mang ơn xếp cũ lại còn thao thao nói xấu họ. Đó là điều cấm kỵ. Vì vậy, cần tránh tuyệt đối. Nếu nhà tuyển dụng hỏi bạn về lý do xin nghỉ, bạn có thể trình bày một điều thuyết phục hơn ngoài chuyện kể một tràng không tốt về xếp cũ.
9. Nói dối
Tệ nhất là điều nói dối, nhất là khi nói dối trong cả hồ sơ xin việc. Sâu xa hơn chính là bịa đặt nhằm ghi điểm lúc ban đầu. Trong xã hội thông tin đa phương tiện ngày nay, người ta có thể sớm muộn cũng tìm ra những thứ liên quan đến bạn. Vì vậy, cách nói dối hay nhất chính là nói thật tất cả những thứ về mình bằng vẻ tự tin và đầy thuyết phục.
10. Trang phục chuốc lấy sự thất bại
Ăn mặc không thích hợp có khác gì tự hại mình. Chính vì vậy, lịch sự là thái độ tối thiểu đối với mỗi ứng viên. Đừng bao giờ mặc jeans bụi bặm, áo thun cộc tay. Như thế trông rất phản diện và thể hiện rõ là người không chuyên nghiệp.
Hãy xuất hiện với chiếc cà vạt và áo sơ mi, quần tây đối với nam. Còn nữ có thể mặc váy hoặc thời trang công sở.
6 điều cần tránh khi đi phỏng vấn
Không chuẩn bị trước và thể hiện sự không chuyên nghiệp trong lúc phỏng vấn, sẽ đánh mất cơ hội để có được việc làm. Hãy tránh xa những điều dưới đây…
1. Không chuẩn bị trước cho cuộc phỏng vấn là một sai lầm lớn. Trước khi đến cuộc phỏng vấn xin việc, hãy chuẩn bị kỹ, lập kế hoạch và thực tập trước ở nhà.
2. Không truyền đạt một cách rõ ràng và hiệu quả. Đây là điều quan trọng trong lúc phỏng vấn và cả trong quá trình làm việc. Sự lo lắng sẽ làm suy nghĩ của bạn bị xáo trộn, vì vậy bạn phải chuẩn bị thật tốt và thực hành nhiều về nội dung cuộc phỏng vấn để khi trực tiếp đối mặt với nhà tuyển dụng, bạn trình bày một cách lưu loát.
3. Gây hấn, kiêu ngạo. Không một ai muốn thuê một người hoặc làm việc chung với một người có suy nghĩ rằng họ vượt trội hơn những người khác. Cẩn thận với thái độ của bạn. Đồng thời, nếu bạn nghĩ bạn là một người được bao quanh bởi sự kém cỏi, nên gạt bỏ ý nghĩ đó đi. Tự tin là thái độ tốt nhất. Sự kiêu ngạo hay kém cỏi thì thật là tồi tệ.
4. Bào chữa những yếu kém. Không một ông chủ nào bỏ của cải ra để thuê một người chỉ biết làm sai mọi việc mà không biết chịu trách nhiệm cho những việc mình làm, lại còn tìm cách bào chữa. Bạn phải biết chịu trách nhiệm cho những gì bạn làm. Bạn sẽ không bao giờ có được sự đánh giá cao bằng việc đổ lỗi cho người khác khi bạn làm sai. Cũng như đừng giải thích cho những mặt yếu kém của bạn trong lúc phỏng vấn mà hãy thể hiện sự chuyên tâm học hỏi.
5. Nói xấu về những nơi làm việc trước. Thậm chí những ông chủ trước đây của bạn là những người ích kỷ, gây khó dễ cho bạn thì cũng không được sỉ nhục họ trước nhà tuyển dụng tương lai. Nói xấu sau lưng là một điều cấm kỵ nơi công sở. Tốt nhất là đừng nói xấu họ trong lúc phỏng vấn. Khi bạn được hỏi “Vì sao bạn nghỉ làm ở đó?” Hãy đáp lại rằng “Tôi muốn tìm kiếm cơ hội để phát huy tốt cho những mục tiêu công việc của mình. Và công ty ông là cơ hội để tôi thực hiện được điều đó”.
6. Bắt tay một cách yếu ớt. Vì sao mọi người nghĩ bạn sẽ là một nhân viên tệ, nếu bạn đưa ra cái bắt tay yếu? Điều này nghe như không hợp lôgic, đúng không? Đơn giản là vì nó không để lại một ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng. Vì vậy, hãy bắt tay một cách mạnh mẽ và tự tin nhưng cũng đừng bóp chặt tay họ và giật mạnh. Nếu bạn không muốn làm hỏng cuộc phỏng vấn thì đừng thể.
Nguồn me.phununet.com