Thanh niên chiếm hai phần ba số người thất nghiệp

Tình trạng thất nghiệp của thanh niên tiếp tục là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam với trên 2/3 số người thất nghiệp là thanh niên, theo thông tin từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Theo chương trình phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 18/4 Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung sẽ trả lời chất vấn các vị đại biểu Quốc hội.

Giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên ở vùng nông thôn, bộ đội, công an xuất ngũ là một trong những nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng Dung.

Văn bản chuẩn bị cho phiên chất vấn này vừa được Bộ trưởng gửi đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ trưởng cho biết lực lượng lao động cả nước là 54,56 triệu người, trong đó lực lượng lao động là thanh niên (15 – 29 tuổi) khoảng 14,4 triệu người (chiếm 26,3%), trong đó thanh niên nông thôn khoảng 9,9 triệu người.

Đây là nguồn cung lao động lớn, có tri thức, sức khỏe nhưng đồng thời cũng gây sức ép lớn trong giải quyết việc làm – Bộ trưởng nhận định.

Bộ trưởng cho biết hiện cả nước có 13,5 triệu thanh niên có việc làm, trong đó tại khu vực nông thôn khoảng 9,4 triệu người. Nhưng chất lượng việc làm thấp: 58,6% thanh niên làm công hưởng lương nhưng gần 1/2 trong số đó không có hợp đồng bằng văn bản; 41,4% thanh niên làm những công việc dễ bị tổn thương như lao động tự làm, lao động trong hộ gia đình không hưởng lương, riêng tại khu vực nông thôn tỷ lệ này khá cao (50,8%).

Về chất lượng lao động, văn bản nêu một số con số đáng chú ý, như chỉ có 28,1% thanh niên đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ (tỷ lệ này của cả nước là 21,4%), trong đó 11,7% có trình độ cao đẳng, đại học. Riêng tại khu vực nông thôn, chỉ có 20,7% thanh niên đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ.

Xét theo cơ cấu việc làm, có 35,5% thanh niên làm việc trong ngành nông nghiệp; 33,6% thanh niên làm việc trong ngành công nghiệp và xây dựng; 30,9% thanh niên làm việc trong ngành dịch vụ (cơ cấu chung của cả nước là 41,54%, 25,05% và 33,41%). Tuy nhiên, tại khu vực nông thôn, có đến 47,2% thanh niên vẫn làm việc trong ngành nông nghiệp với năng suất, chất lượng thấp.

Bộ trưởng Dung nhấn mạnh, tình trạng thất nghiệp của thanh niên tiếp tục là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam với trên 2/3 số người thất nghiệp là thanh niên, 1/2 số người thất nghiệp trong nhóm tuổi từ 15 – 24 tuổi (55,3%).

Tại thời điểm quý 4/2016, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15 – 24 tuổi (7,28%) cao hơn gấp 3,2 lần tỷ lệ thất nghiệp chung (2,31%). Mức độ thất nghiệp của thanh niên có xu hướng tăng dần theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên có trình độ cao đẳng khoảng 18,1%, đại học trở lên là 23%, trong khi tỷ lệ này của nhóm thanh niên có trình độ sơ cấp và trung cấp thấp hơn (lần lượt 5,3% và 11,8%).

Về kết quả giải quyết việc làm, Bộ trưởng cho biết giai đoạn từ 2011 – 2016, hằng năm cả nước đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,5-1,6 triệu lao động, trong đó lao động trong độ tuổi thanh niên là chủ yếu (chiếm khoảng 60%).

100% bộ đội xuất ngũ có nhu cầu học nghề đều được cấp thẻ học nghề, tham gia đào tạo nghề nghiệp gắn với tạo việc làm, đã góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn bộ đội, công an xuất ngũ hàng năm, Bộ trưởng thông tin thêm.

Vẫn liên quan đến kết quả, hằng năm, Việt Nam đưa được từ 100 – 120 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó 70% là lao động trẻ trong độ tuổi từ 18-30 tuổi.

Nhìn nhận một số hạn chế, Bộ trưởng đánh giá, hệ thống chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên tương đối đồng bộ nhưng thiếu các nguồn lực thực hiện. Một số chính sách ưu đãi cho thanh niên về làm việc ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo chưa thực sự hấp dẫn cùng với khả năng tạo việc làm tại khu vực nông thôn thấp nên phần lớn sinh viên tốt nghiệp không muốn trở về địa phương, gây sức ép về việc làm ở khu vực thành thị.

Hạn chế tiếp theo là chất lượng lao động thanh niên thấp trong khi khả năng tạo việc làm của nền kinh tế còn hạn chế, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, ảnh hưởng đến kết quả giải quyết việc làm cho thanh niên. Nhiều sinh viên ra trường gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm.

Vẫn theo đánh giá của Bộ trưởng, thanh niên, nhất là sinh viên còn thiếu các kỹ năng “mềm”, kỹ năng làm việc thực tế tại doanh nghiệp. Một bộ phận chưa chủ động, nỗ lực trong tìm kiếm việc làm, tâm lý muốn làm cơ quan nhà nước cho ổn định trong khi khả năng cung cấp việc làm của khu vực này có giới hạn.

Dẫn kết quả điều tra chuyển tiếp từ trường học đến việc làm của ILO, Bộ trưởng cho biết 2/3 số sinh viên được hỏi thích làm trong khu vực nhà nước.

Nguồn VnEconomy

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *