Hàng trăm tấn rác bốc mùi “tấn công” Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư

Trong khi khu vực 4 quận nội thành đã được Cty Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) thu gom, xử lý hết sau khi người dân tại bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) chặn xe rác gần đây. Còn tại khu vực Cầu Giấy, Tây Hồ vẫn tồn tại cả trăm nghìn tấn rác tập kết lộ thiên, bốc mùi hôi thối hơn chục ngày nay khiến cuộc sống của người dân, các cơ quan, trường học, bệnh viện ngay cạnh bị ảnh hưởng, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hàng trăm tấn rác bốc mùi hôi thối tấn công bệnh viện

Theo ghi nhận của Lao Động ngày 3.11, 4 quận nội thành và một số huyện của TP.Hà Nội đã hoàn thành xong việc thu gom rác thải tồn đọng sau khi bãi rác Nam Sơn tiếp nhận rác trở lại từ ngày 26.10. Các điểm tập kết rác lớn tạm thời trên đường Châu Văn Liêm, Tân Mỹ (quận Nam Từ Liêm) đã cơ bản thu dọn xong số lượng rác thải ùn ứ. Các công nhân vệ sinh đang khẩn trương khắc phục môi trường bằng cách thu dọn, phun rửa điểm tập kết rác, tránh gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, hiện tại bên trong đất dự án Khu Đô thị mới Cầu Giấy trên đường Phạm Văn Bạch (Hà Nội) vẫn tồn tại một núi rác thải, chất cao kéo dài hàng chục mét trong khu đất trống. Điểm tập kết rác này không được che phủ, lại gần Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Công viên Cầu Giấy, Trường học, các đơn vị hành chính và các khu dân cư khiến người dân phải chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc mỗi giờ. Bên trong điểm tập kết rác, mặc dù các công nhân môi trường đã phủ tạm một lớp vôi bột nhưng nước rác vẫn rỉ ra mỗi ngày, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân xung quanh khu vực này đã 10 ngày nay.

 

Anh Đỗ Duy Tùng (sinh năm 1992, chủ cửa hàng khu vực ngõ số 6 phố Phạm Văn Bạch – sát điểm tập kết rác) cho biết, nhiều ngày nay, các cửa hàng, những hộ kinh doanh ở gần điểm tập kết rác vẫn từng ngày, từng giờ chịu mùi hôi thối từ bãi rác bốc lên. Do phải làm việc ở đây nên mọi người cứ phải bịt mũi, đeo khẩu trang vào để đỡ được phần nào mùi rác. Đến bữa trưa, tất cả mọi người không ai dám nấu cơm, ăn cơm tại cửa hàng do mùi rác quá hôi thối. Không những vậy, do quá gần bãi rác khiến hoạt động kinh doanh, buôn bán của các cửa hàng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hành khách không dám đến cửa hàng từ khoảng 1 tuần nay.

“Tôi khẩn cầu kiến nghị các cơ quan chức năng của TP.Hà Nội, Sở Xây dựng, quận Cầu Giấy và các đơn vị liên quan sớm có biện pháp, chỉ đạo công ty môi trường nhanh chóng di dời điểm tập kết rác này về nơi xử lý. Các ngành chức năng cần sớm vào cuộc xử lý để trả lại bầu không khí trong lành cho người dân” – anh Tùng bức xúc nói.

 

Điều đáng lo ngại nhất, mùi hôi thối từ “núi rác” làm ảnh hưởng đến 1.400 bệnh nhân điều trị nội trú, khoảng 1.400 người nhà bệnh nhân, 1.000 cán bộ, nhân viên của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương ở gần đó.

Trao đổi với phóng viên, Ths Lê Lâm – Phó Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương – cho biết, mùi rác làm ảnh hưởng đến bệnh nhân. Theo ông Lâm, bệnh nhân điều trị tại viện hầu hết là bị ung thư máu, khả năng miễn dịch cơ thể rất kém, có khi bằng 0. Vì vậy, nếu có mùi rác thì bệnh nhân dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm; chắc chắn tỉ lệ nhiễm khuẩn, nhiễm nấm sẽ tăng lên.

Để hạn chế mùi hôi thối, những ngày gần đây, các phòng làm việc cũng như phòng điều trị bệnh nhân thường xuyên phải đóng kín; các phòng bệnh nhân nặng thì tuyệt đối không mở cửa. Dù vậy, vẫn theo ông Lâm, dù viện đã cố gắng khắc phục, nhưng không thể giải quyết được hoàn toàn vì trong ngày vẫn phải có thời điểm thông phòng (để thoáng khí) cho người bệnh. Đó là chưa kể, ngay cả khi đóng cửa, mùi hôi thối vẫn lọt vào.

Bà Trương Thị Bé (trú tại Bắc Giang, người nhà bệnh nhân điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương) cho hay, khu vực bệnh viện gần bãi tập kết rác hằng ngày, mùi rác thải hôi thối nồng nặc khiến các bệnh nhân và người nhà tại đây liên tục phải đeo khẩu trang nhưng vẫn có mùi.

“Có khi mùi rác thải xộc thẳng vào phòng nghỉ của người bệnh, nếu tình trạng này cứ kéo dài thì không khác gì bệnh chồng lên bệnh. Chúng tôi cảm thấy thực sự lo lắng, mong sớm được cơ quan chức năng quan tâm, xem xét xử lý” – bà Bé cho hay.

Kiểm tra, giám sát xe chở rác

Theo ghi nhận của phóng viên, ngay trong sáng nay, lãnh đạo quận Cầu Giấy, Thanh tra giao thông quận Cầu Giấy đã trực tiếp kiểm tra điểm tập kết và xe chở rác ra vào khu vực này.

Ông Phan Anh Tuấn – Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông quận Cầu Giấy – cho biết, thực hiện chỉ đạo của các đơn vị chức năng, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Thanh tra giao thông quận Cầu Giấy, Phòng Vận tải, đơn vị Đăng kiểm tiến hành kiểm tra các điều kiện kỹ thuật đảm bảo cho phương tiện của công ty môi trường hoạt động, đảm bảo vệ sinh, không rò rỉ nước rác ra môi trường. Trong những ngày qua, khi xảy ra sự cố tại bãi rác Nam Sơn khiến lượng rác tập trung tại điểm tập kết rất lớn. Ngoài ra, lượng rác phát sinh mỗi ngày cũng rất lớn nên khi kiểm tra, các đơn vị sẽ không làm ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất và đi lại của công ty. Đơn vị sẽ kiểm tra toàn bộ số xe chở rác của công ty.

“Theo kiểm tra, đánh giá của đoàn kiểm tra, các xe vận chuyển rác của Công ty Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên toàn bộ là xe mới. Do đó điều kiện kỹ thuật, giấy tờ chúng tôi đã kiểm tra chi tiết để đảm bảo quá trình vận chuyển rác đúng với yêu cầu của thành phố. Với những lỗi như bong tróc sơn thì chúng tôi nhắc nhở để công ty khắc phục và xử lý” – ông Tuấn thông tin.

Thông tin về việc tiếp nhận, vận chuyển rác về khu xử lý, ông Cao Thế Cường – Giám đốc chi nhánh Công ty Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên – cho hay, đây là điểm phòng ngừa khi có sự cố xảy ra tại bãi rác Nam Sơn. Hiện tại lượng rác phát sinh hằng ngày công ty vẫn đảm bảo việc thu gom, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Hiện nay, lượng rác đang tồn đọng, ùn ứ bên trong khu đất dự án Khu Đô thị mới Cầu Giấy ước chừng khoảng hơn 600 tấn.

“Mỗi ngày, quận Cầu Giấy phát sinh khoảng từ 360-380 tấn rác thải sinh hoạt. Với lượng rác tồn trong khoảng thời gian tắc bãi thì chúng tôi phải được tăng cường phương tiện, nhân lực cũng như thời gian thì sẽ đảm bảo thu gom rác tồn đọng. Từ sau khi bãi rác tiếp nhận trở lại, chúng tôi đã tăng cường thêm số xe so với thời gian trước. Tuy nhiên, hiện nay đang có khó khăn khi công ty không được vận chuyển rác vào ban ngày, toàn bộ xe phải hoạt động vào ban đêm nên dù đã hoạt động hết công suất nhưng vẫn chưa xử lý xong hết rác ùn ứ” – ông Cường nói.

Theo ông Cường, để vận chuyển hết số rác tồn đọng hiện tại cần ít nhất 7 ngày. Do đó, để thời gian này rút xuống, không ảnh hưởng đến người dân, đến hoạt động của công ty thì đơn vị này mong muốn được chạy thêm chuyến vào ban ngày, tránh khung giờ cao điểm.

PGS-TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên – Môi trường và phát triển cộng đồng (IRECO) cho rằng: “Việc chỉ cho phép xe vận chuyển rác hoạt động ban đêm là hoàn toàn hợp lý, tránh gây tắc đường, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, nếu chạy ban đêm mà chỉ dựa vào công ty phụ trách địa bàn sẽ rất lâu và khó khăn. Do đó, thành phố cần hỗ trợ các đơn vị tăng ca, tăng số chuyến và tạo điều kiện để họ sớm thu dọn. Về giải pháp lâu dài, Hà Nội vẫn cần chủ động làm việc, yêu cầu chủ đầu tư dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn hoàn thành và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đưa dự án vào vận hành, khai thác trong tháng 1.2021”

Theo Lao Động

Lỗi RSS: A feed could not be found at `https://laodong.vn/rss/home.rss`; the status code is `200` and content-type is `text/html; charset=utf-8,gbk`

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *