TPHCM: Vì sao kiếm tiền tỉ từ quảng cáo trên xe buýt gặp khó?
Nguồn thu từ quảng cáo trên xe buýt TPHCM dự kiến bù đắp khoảng 20% ngân sách trợ giá xe buýt khoảng 1.000 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, việc đấu giá quảng cáo trên xe buýt liên tiếp thất bại, không đem lại hiệu quả như kỳ vọng nên cần phải thay đổi
Miếng bánh đã trở thành cục xương
Theo dự kiến, việc cho phép quảng cáo trên thân của tất cả hơn 2.000 xe buýt có trợ giá ở TPHCM mỗi năm thu về khoảng 240 tỉ đồng, chiếm 20% tổng số tiền trợ giá hàng năm. Nghĩa là, nếu việc đấu giá thành công, số tiền ngân sách mỗi năm chi trả cho việc trợ giá xe buýt (khoảng 1.000 tỉ đồng) sẽ giảm đáng kể.
Thế nhưng, việc đấu giá quảng cáo đã không suôn sẻ. Năm 2017, Sở GTVT TPHCM tổ chức đấu giá nhiều gói quảng cáo xe buýt nhưng chỉ có một doanh nghiệp trúng đấu giá một gói 492 xe buýt trị giá 162 tỉ đồng trong 3 năm. Còn lại khoảng 1.200 xe buýt sau 5 lần tổ chức đấu giá quảng cáo xe buýt đều thất bại vì không có đơn vị nào tham gia.
Mới đây, Sở GTVT TPHCM đã kiến nghị UBND TPHCM kết thúc đề án quảng cáo trên xe buýt từ ngày 2.1.2021 để chủ động nghiên cứu việc xây dựng lại đề án.
Nguyên nhân của đấu giá quảng cáo xe buýt liên tiếp thất bại được cho thị trường quảng cáo đã có sự thay đổi, giá quảng cáo cao. Một doanh nghiệp từng tham gia đấu giá quảng cáo xe buýt tại TPHCM cho rằng quảng cáo xe buýt giờ đã có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh, như taxi và xe công nghệ. Vấn đề ở chỗ giá quảng cáo trên xe buýt tại TPHCM quá cao, trong khi quảng cáo trên taxi và xe công nghệ như Grab giá rẻ hơn nhiều mà việc thực hiện lại dễ dàng, không phải qua đấu giá phức tạp.
Giảm giá, trích lại phần trăm cho chủ phương tiện
Ông Nguyễn Văn Thảo – giám đốc HTX vận tải số 15 cho biết lâu nay, các nguồn thu quảng cáo trên các tuyến xe buýt có trợ giá đều phải nộp về ngân sách, còn doanh nghiệp vận tải dù là đơn vị mua xe nhưng không được hưởng gì hết.
Theo ông Thảo, các tuyến xe buýt không trợ giá thì việc quảng cáo khá sôi động. Các đơn vị kinh doanh xe buýt được giao chủ động trong việc quảng cáo đối với các tuyến xe buýt không có trợ giá. Từ đó, mức giá, các điều kiện thỏa thuận giữa doanh nghiệp và nhà quảng cáo cũng linh động hơn so với các yêu cầu mà đơn vị quản lý nhà nước tổ chức đấu thầu.
Do đó, ông Thảo cho rằng chính quyền thành phố nên giao lại cho các đơn vị vận tải chủ động trong việc quảng cáo và nguồn thu doanh nghiệp được hưởng từ 30-50%.
Ông Đỗ Ngọc Hải – Trưởng phòng quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TPHCM) cho biết sẽ xây dựng lại đề án mới cho phù hợp với tình hình quảng cáo hiện nay. Trong đó, cần nghiên cứu lại giá quảng cáo, giảm giá 50% so với giá được duyệt, bởi giá được duyệt khá cao so với mặt bằng chung của thị trường quảng cáo trên địa bàn TPHCM.
Ngoài ra, thành phố cần xây dựng phương án phân phối nguồn thu, trong đó có trích lại một phần tỉ lệ phù hợp cho đơn vị vận tải, chủ phương tiện và đơn vị trực tiếp thực hiện đề án nhằm khuyến khích các đơn vị này hợp tác và tăng hiệu quả khai thác quảng cáo.
Sở cũng sẽ tối ưu hóa luồng tuyến với phương tiện tham gia quảng cáo là phương tiện mới và hoạt động ổn định trên tuyến.
Nguồn Tuổi Trẻ
- Top 13 app ghi chú công việc cực tiện ích dành cho người bận rộn
- Công nghệ EKYC là gì? Sức mạnh của EKYC trong kinh doanh hiện đại
- Tạm biệt não cá vàng với 8 cách ghi nhớ nhanh để học tập và làm việc hiệu quả
- Phương pháp Pomodoro: Bí quyết hiệu quả tăng sự tập trung cho công việc !
- Feynman: Chiến thuật học chủ động chinh phục mọi lĩnh vực
- Tháp tài sản là gì? Cách áp dụng tháp tài sản cá nhân để đạt tự do tài chính
- Sự kiện thiên nga đen: Cơn ác mộng của nền kinh tế
- Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi): Mở rộng đối tượng, gia tăng quyền lợi
- Ma trận Eisenhower giúp quản lý thời gian hiệu quả – Deadline là chuyện nhỏ!