Pháo hoa không tiếng nổ mà người dân được đốt là loại pháo hoa nào?

Chính phủ vừa ban hành nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo; trong đó quy định người dân được đốt pháo hoa có hiệu ứng âm thanh, nhưng không bao gồm tiếng nổ. Quy định về pháo hoa có hiệu ứng âm thanh nhưng lại không tiếng nổ khiến cho nhiều người băn khoăn, không hình dung ra được loại pháo hoa được sử dụng; chuyên gia cho rằng, đây là quy định khó hiểu, cần được diễn giải rõ hơn…

Có hiệu ứng âm thanh, nhưng … không có tiếng nổ

Nghị định 137/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 36/2009 về quản lý và sử dụng pháo, có hiệu lực từ ngày 11/1/2021. Trong đó, Điều 17 của Nghị định này quy định: “Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tổ chức, cá nhân khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất kinh doanh pháo hoa”.

Điều đó có nghĩa, đối tượng được sử dụng pháo hoa rất rộng. Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Cty Luật Hưng Nguyên (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ là người từ đủ 18 tuổi trở lên không mắc bệnh tâm thần, không bị tòa án tuyên mất năng lực hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Pháo hoa, pháo nổ là một trong những mối quan tâm lớn của người dân (ảnh chụp một điểm bắn pháo hoa tại Hà Nội trong dịp tết Nguyên đán 2020 vừa qua). Ảnh Long Vân© Tiền Phong Pháo hoa, pháo nổ là một trong những mối quan tâm lớn của người dân (ảnh chụp một điểm bắn pháo hoa tại Hà Nội trong dịp tết Nguyên đán 2020 vừa qua). Ảnh Long Vân

Tuy nhiên, luật sư Nguyên cho rằng, những ngày qua, rất nhiều người lầm tưởng sẽ được đốt mọi loại pháo hoa hiện có. “Pháo hoa theo cách hiểu thông thường hiện nay là loại pháo có ánh sáng phóng lên không trung sau một tiếng nổ; sau khi phóng lên không trung lại tiếp tục nổ để phát ra ánh sáng. Tuy nhiên, trong Nghị định lại phân biệt rất rõ hai loại: Pháo hoa nổ và pháo hoa không nổ và người dân chỉ được sử dụng loại pháo hoa không có tiếng nổ” – luật sư Nguyên cho hay.

Cụ thể, trong Nghị định nêu trên, “pháo hoa nổ” được xếp vào loại “pháo nổ” và được định nghĩa: “Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ”. Còn “pháo hoa” được định nghĩa: “Pháo hoa là loại pháo không gây ra tiếng nổ, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ”.

Đối chiếu với thực tế, luật sư Nguyên cho hay, Nghị định chỉ cho phép người dân sử dụng các loại pháo phát sáng kèm tiếng xì xì mà hiện nay người ta vẫn sử dụng ở các sân khấu khi tổ chức đám cưới, lễ khởi công, khánh thành. “Tôi chưa biết, tới đây, các doanh nghiệp Quốc Phòng sẽ sản xuất các loại pháo hoa không có tiếng nổ sẽ như thế nào nhưng theo Nghị định, loại pháo hoa nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được các cơ quan Nhà nước bắn vào dịp Tết, lễ hội quan trọng, người dân không được tự ý sử dụng. Loại pháo hoa kèm tiếng nổ lâu nay vẫn được nhập lậu từ Trung Quốc theo Nghị định vẫn không được sử dụng”, Luật sư Nguyên phân tích.

Một loại pháo có hiệu ứng ánh sáng, âm thanh nhưng không có tiếng nổ
© Tiền Phong Một loại pháo có hiệu ứng ánh sáng, âm thanh nhưng không có tiếng nổ

Ông Lương Xuân Điển, giảng viên Viện Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho hay, Nghị định nói rằng pháo hoa “có hiệu ứng âm thanh”, theo cách hiểu thông thường “có hiệu ứng âm thanh” đã bao gồm tiếng nổ. Bộ Quốc phòng là cơ quan quản lý cần nói rõ về điều này để người dân được rõ.

Quy định tích cực nhưng cần có hướng dẫn cụ thể

Tiến sỹ xã hội học Trịnh Hòa Bình cho hay, pháo là nét văn hóa truyền thống của người Việt, nhất là dịp Tết thể hiện qua câu đối: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Trước đây, người ta chỉ sử dụng những băng pháo tép, vừa phải nhưng một thời kỳ, vì tính quá khích của người Việt nên người ta đua nhau làm những băng, những quả pháo lớn gây tai nạn nên Nhà nước cấm. “Việc phục hồi việc đốt pháo sẽ dần được thực hiện khi Nhà nước kiểm soát tốt, tôi nghĩ rằng, việc cho đốt pháo hoa, dù là không nổ cũng nằm trong lộ trình đó” – tiến sỹ Trịnh Hòa Bình nói.

Ông Đào Minh (trú tại Long Biên, Hà Nội) cho biết, cho phép đốt pháo hoa loại như trên là cần thiết. “Đến nay mới cho phép có vẻ như quy định đi sau thực tế bởi lâu nay ở các đám cưới, lễ khởi công, động thổ pháo hoa đã được sử dụng rộng rãi”. Tuy nhiên, ông Minh cũng cho rằng, hiện nay, người dân, nhất là thanh niên vẫn muốn sử dụng loại pháo hoa nổ nên, việc buôn lậu pháo hoa nổ vẫn xảy ra nếu cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát không chặt chẽ.

Một vụ buôn pháo lậu với số lượng 13 tấn được Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ vào tháng 9/2019. Ảnh Nguyễn Minh© Tiền Phong Một vụ buôn pháo lậu với số lượng 13 tấn được Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ vào tháng 9/2019. Ảnh Nguyễn Minh

Ông Hà Linh (ở Kim Động, Hưng Yên) tỏ ra băn khoăn về việc quản lý, xử lý vi phạm các quy định về đốt pháo như thế nào. Theo ông Linh, có nhiều người ủng hộ chủ trương này nhưng đa phần thanh niên, người trẻ hoặc những người làm sự kiện. “Nếu sản xuất ra một loại pháo hoa cho phép người dân sử dụng rộng rãi cũng cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ để pháo hoa được sản xuất hợp pháp và hàng nhập lậu, chống thất thu cho Nhà nước” – ông Linh nói.

Dưới góc độ kinh tế, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc cho phép đốt pháo hoa sẽ đem lại một số lợi ích kinh tế như tạo ra thị trường tiêu thụ pháo hoa, cho phép phát triển ngành sản xuất pháo hoa, từ đó tạo ra công ăn việc làm. Đốt pháo hoa làm tăng màu sắc cho đám cưới, hội nghị, đáp ứng được một phần nhu cầu về tinh thần của người dân. Trong bối cảnh hiện nay, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ít viêc làm, việc cho đốt pháo hoa đáp ứng yêu cầu việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, đốt pháo hoa cũng sẽ gây lãng phí, phải đầu tư nhiều vào lĩnh vực phi sản xuất, đốt nhiều sản phẩm phi sản xuất. “Việc sản xuất pháo hoa phải có giấy phép, phải được kiểm soát chặt chẽ, không thể tạo ra một thị trường như những mặt hàng đơn thuần khác”, TS Nguyễn Minh Phong nói.

PGS – TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch hội Kinh tế môi trường Việt Nam cho rằng, việc cho phép đốt pháo hoa là nhằm đáp ứng nhu cầu về tinh thần của người dân nhưng không nên quá lạm dụng sẽ gây lãng phí. Việc thực hiện đốt pháo cũng cần phải trong khuôn khổ cho phép. “Để kiểm soát hàng lậu, chống thất thu thuế cho Nhà nước cần xây dựng các hướng dẫn, giao cho các tổ chức quản lý, quy trách nhiệm và giao việc cụ thể cho các địa phương. Nếu vi phạm phải có biện pháp xử lý”, PGS – TS Tiến cho hay.

Nguồn Tiền Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *