Được trìu mến ví von là “gã độc hành can trường”, Bùi Trọng Hiền có lẽ là nhà nghiên cứu âm nhạc duy nhất tại Việt Nam cho tới lúc này dám bước chân vào khu rừng đầy rẫy trúc trắc của âm luật, khuôn thước và thang âm của cổ nhạc truyền thống. Chính sự táo gan này đã trao cho anh suối nguồn tri thức và cái nhìn “tiên cảm” để nhận diện và ứng cứu những di sản âm nhạc đang mong manh, nguy cấp

Thưa nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, những người quan tâm đến cổ nhạc từng xúc động trước hành trình đi tìm khuôn thước ca trù ròng rã 9 năm trời của anh. Vừa qua, anh lại góp mặt trong một dự án mới về hiệu chỉnh thang âm cho cồng chiêng Tây Nguyên. Xin hỏi, đang có vấn đề nào với di sản này?

– Tôi nghiên cứu cồng chiêng suốt từ năm 2004. Trong chuyến điền dã xây dựng hồ sơ cồng chiêng trình UNESCO hồi đó, tôi thu thanh, đo cao độ, tiếng vang của các bộ cồng chiêng để tổng hợp thành công trình nghiên cứu âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên. Bẵng đi nhiều năm, tôi đắm mình trong tiếng nhạc nghìn năm tuổi, thế rồi việc lớn với các tiền nhân Ả đào cũng xong, đến tháng 11 năm ngoái, tôi quay lại Tây Nguyên vì được mời vào ban giám khảo của Liên hoan Cồng chiêng Kon Tum.

Di sản âm nhạc đang mong manh, nguy cấp! ảnh 2
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chụp ảnh lưu niệm với đội cồng chiêng Bahnar làng Hơ Hra.

Cần nói thêm, cuộc liên hoan ở Kon Tum không chỉ trình diễn các dàn cồng chiêng tộc người mà còn có phần liên hoan chỉnh chiêng, tất cả thợ chỉnh chiêng trong tỉnh đều được mời về tụ hội, là dịp để họ gặp gỡ giao lưu. Có thể nói cuộc liên hoan này có giá trị vô cùng lớn dưới góc nhìn kiểm kê thực trạng cồng chiêng ở Kon Tum. Nếu không có liên hoan, hẳn tôi vẫn tưởng ở huyện nọ, huyện kia còn nhiều nghệ nhân giỏi hay những tay chỉnh chiêng thiện nghệ. Thế nhưng cuộc liên hoan đã như một lời cảnh báo. Các dàn chiêng sai âm vẫn được đem ra diễn tấu, nhiều buôn làng không còn người biết chỉnh chiêng, bản thân người trẻ trong các đội chiêng cũng không nhận ra thang âm sai, bởi họ cũng không biết thế nào là… đúng. Bên cạnh đó là sự lai tạp giữa dàn chiêng của các tộc người và nguy cơ đáng lo ngại nhất, cồng chiêng bị bình quân hóa theo thang âm đồ rê mi phương Tây. Trong bối cảnh trào lưu nhạc mới, nhạc cụ cải tiến theo thang âm Tây phương đã phủ khắp Trường Sơn – Tây Nguyên.

Tôi chứng kiến thực trạng là những chiếc cồng chiêng trao cho bà con đúc rất ẩu, một số nơi chế tác, họ thậm chí bỏ qua kỹ thuật đúc rập cơ bản, sẵn sàng bán những bộ chiêng đánh không ra tiếng cho đồng bào.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền

Từ quan sát nhà nghề, anh kiến giải thế nào về hiện tượng sai lệch trong thang âm cồng chiêng nói trên?

– Một cách dễ tưởng tượng, tiếng chiêng sai giống như phím đàn phô. Chúng ta nhận ra âm phô bởi ta được nghe đi nghe lại bản nhạc đó nhiều lần, nên một khi chênh phô, nhận ra ngay. Quay lại với thực trạng tiếng cồng tiếng chiêng của đồng bào, ngày càng nhiều người không nhận ra âm sai, bởi ngay chính trong cộng đồng của mình, họ ít có cơ hội được nghe và nghe đúng âm thanh của bộ nhạc cụ này.

Đặc điểm của cồng chiêng là nhạc cụ dùng trong nghi lễ, là vật thiêng của đồng bào. Một năm đôi lần lễ hội, bà con mới mang chiêng ra đánh. Hiện nay, các lễ hội dần tiêu biến, có nơi dàn chiêng chỉ được dùng duy nhất trong Lễ mừng lúa mới, có nơi đã bỏ hẳn hội hè vì chuyển sang một tín ngưỡng khác. Việc không có nhiều cơ hội diễn tấu, thêm sự sai loạn trong điều chỉnh thang âm cùng đôi tai đã quen nghe nhạc mới khiến bà con dần chấp nhận cái sai, coi cái sai thành cái đúng.

Việc coi sai thành đúng như anh nói có thể ảnh hưởng thế nào cho tương lai bảo tồn và phát huy di sản cồng chiêng Tây Nguyên. Liệu nguy cơ này có đang được nhận thức từ nhiều phía?

– Bảo tồn thang âm chính là bảo tồn cái tinh cốt nhất của di sản cồng chiêng. Trong đó, người chỉnh chiêng giống như người lên dây, gắn phím đàn, vô cùng quan trọng. Nếu như với nhạc cụ dây, mỗi phím đều có hệ số, dù ngũ cung hay 7 cung, 12 cung, đo là chỉnh được. Nhưng tiếng cồng tiếng chiêng lại rất trừu tượng, để chỉnh về đúng thang âm, ngày xưa, năng lực này nằm ở những tay thợ chỉnh chiêng có đôi tai tinh tường. Khi họ căn chỉnh, người thẩm định họ lại là lớp già làng, nghệ nhân lão luyện, sinh ra và lớn lên trong không gian âm nhạc cồng chiêng với những đôi tai chưa bị pha tạp. Hiện nay, những người như vậy hầu như không còn, tai của thợ bây giờ kém hơn vì họ nghe và chịu ảnh hưởng của nhạc mới.

Tôi ví dụ, quãng giữa hai chiêng số 6 và 7 của dàn chiêng, tùy mỗi tộc người sẽ có khoảng cách từ 125 đến 175 cents (đơn vị đo độ lớn của quãng trong âm nhạc – PV). Nhưng giờ người thợ thường chỉnh thành 100 cents và đồng bào cũng dễ dàng chấp nhận điều đó, 100 cents là theo thang âm phương Tây, bằng đúng một phím của guitar.

Nếu chúng ta tiếp diễn cái sai này, rất nhanh chóng sẽ đến ngày xóa trắng hệ thống thang âm cồng chiêng quý báu. Khi đã xóa đi thì bản sắc nhạc chiêng tộc người sẽ không còn, điều chúng ta vẫn tự hào về sự phong phú, đa dạng của Tây Nguyên mất dấu. Nguy hiểm là vậy nhưng chưa nhiều người nhận ra vấn đề, hiện thời, người ta vẫn dễ dàng chấp nhận, bằng lòng với cái sai.

Di sản âm nhạc đang mong manh, nguy cấp! ảnh 3

Vậy cuộc tập huấn chỉnh âm anh thực hiện với cồng chiêng Kon Tum vừa qua, về cơ bản, đã giải quyết vấn đề gì?

Vào ngày cuối cùng của Liên hoan Cồng chiêng, tôi đề xuất với một số cán bộ chủ chốt của ngành văn hóa Kon Tum, cần một cuộc tập huấn chỉnh chiêng gấp, nếu không sẽ hỏng hết. Ban đầu tôi dự định mời thợ chỉnh chiêng giỏi ở Quảng Nam lên dạy kỹ thuật gò cơ khí, nhưng họ từ chối với thái độ rất ngại ngùng. Sau khi tìm hiểu, mới biết hiện ở các lò đúc của người Kinh, nhiều nơi vẫn không hiểu hết về sự đa dạng và tinh tế của các dàn cồng chiêng, đặc biệt các tộc Jrai, Bahnar, Xơ Đăng ở vùng Bắc Tây Nguyên. Họ đã và đang sản xuất những bộ chiêng “không kêu”, chiêng sai âm bán cho bà con. Tôi đành quay sang “cầu cứu” NSƯT, nghệ nhân chế tác nhạc cụ Phạm Chí Khánh ở Hà Nội, là chủ cửa hàng buôn bán nhạc cụ, cồng chiêng. Anh Khánh đồng ý ngay, hai anh em khăn gói lên đường.

 

Khóa học chia làm hai phần là học gò chỉnh nhạc cụ và nhận diện từng loại thang âm cồng chiêng. Với nhiều năm kinh nghiệm chỉnh âm cồng chiêng, anh Khánh “mổ xẻ” cấu tạo từng loại, lý giải tác dụng từng thao tác gò, mang cả bộ đồ nghề từ Hà Nội vào. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kon Tum cho người mang ra hàng thợ mộc, thợ sắt thửa theo để phát cho các học viên thực hành. Anh Khánh dạy chỉnh chiêng cực kỳ bài bản, khoa học và quan trọng là trên tinh thần không giấu nghề.

Di sản âm nhạc đang mong manh, nguy cấp! ảnh 4
NSƯT Phạm Chí Khánh và nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chia sẻ về gò, chỉnh thang âm cồng chiêng.

Đến phần nhận diện từng loại thang âm, về nguyên tắc, người chỉnh chiêng phải có cái tai âm nhạc chuẩn xác để căn chỉnh chiêng cồng cho đúng với từng loại thang âm cổ truyền, đây vốn là điều không dễ dàng. Tôi cho các học viên lần lượt trải qua các bài tập nghe/nhận diện những quãng có tính rường cột của thang âm cùng các quãng siêu nhỏ, sau đó mới đi vào thực hành. Với phương pháp tiếp cận mới, tôi biểu thị thang âm các tộc người Xơ Đăng, Bahnar, Jrai lên bảng biểu để học viên dễ dàng so sánh. Kết hợp với tai nghe, họ có thể nhìn bằng mắt bảng biểu thang âm tính theo đơn vị cent, dùng đàn guitar, một nhạc cụ dễ kiếm, để đối sánh và chỉnh âm cho đúng. Đây là phương pháp mới kết hợp giữa nghe và nhìn.

Sau khóa học 9 ngày, 14 học viên đều đã biết căn chỉnh cao độ, đặc biệt có 3 người chỉnh giỏi, trong đó 2 người đạt tầm chuyên nghiệp. Tôi không ngờ lớp học mang lại hiệu quả nhanh đến thế. Trong khóa học, mỗi học viên sẽ phải tự chỉnh bộ cồng chiêng sai âm mà họ mang theo từ làng mình. Cứ làm xong bộ nào là tập hợp các tay chiêng diễn tấu ngay, chỉ vừa đánh, mọi người đã ồ lên, đúng đây rồi! Tôi và anh Khánh rất xúc động bởi không thể ngờ đồng bào học nhanh và khóa tập huấn vô cùng thành công.

Di sản âm nhạc đang mong manh, nguy cấp! ảnh 5

Dù vậy, các anh mới bắt đầu với Kon Tum, trong khi Không gian văn hóa Cồng chiêng tây Nguyên của chúng ta vô cùng rộng lớn?

Kon Tum là cuộc thử nghiệm đầu tiên trên công thức mới của tôi cùng anh Khánh và đã thành công. Sở VH Kon Tum đã nhận thức đúng vấn đề và đang có dự định nhân rộng, duy có điều, kinh phí đang cực kỳ khó khăn. Đầu tiên khóa tập huấn dự tính mời 40 người từ các huyện, nhưng cuối cùng do không đủ chi phí cho các nghệ nhân, rút lại con số 14 người.

Tôi và anh Khánh xác định đi với tinh thần không vì tiền, hai anh em bảo nhau “mình học từ đồng bào, giờ phải trả lại cho đồng bào, tất cả là của đồng bào”. Mong muốn của hai anh em là phổ cập kỹ thuật chỉnh âm để các đội cồng chiêng Tây Nguyên nào cũng có 2, 3 người biết chỉnh chiêng theo thang âm truyền thống. Có như vậy, cồng chiêng Tây Nguyên mới thoát khỏi sự xâm hại của thang âm phương Tây.

Khóa tập huấn đã giúp thang âm cồng chiêng của đồng bào được trả về đúng nơi đúng chỗ, được bảo tồn bền vững dựa trên chỉ báo, bảng biểu so sánh. Qua đó, họ không chỉ hiểu về âm nhạc của họ mà còn có cái nhìn đối sánh với âm nhạc của tộc người khác. Niềm vui nho nhỏ là kết quả nghiên cứu có tuổi đời gần 20 năm của tôi được đưa vào ứng dụng và phát huy hiệu quả.

Di sản âm nhạc đang mong manh, nguy cấp! ảnh 6
Tập huấn hiệu chỉnh cồng chiêng tại Kon Tum năm 2023

Là người tập huấn cho lớp nghệ nhân ca trù và cồng chiêng Tây Nguyên trẻ, anh nhận thấy điểm mạnh và yếu của họ là gì trong hành trình tìm về vốn cổ, âm nhạc truyền thống?

Với ca trù, tình cảnh rất mong manh, khi mà nghệ nhân nhà nghề chỉ còn duy nhất NSND Kim Đức. Cồng chiêng thì có nhiều “tia sáng ở cuối đường hầm” hơn, bởi bản năng tiết tấu của người Tây Nguyên rất giỏi. Cái khó nhất trong cồng chiêng chỉ là việc căn chỉnh, lưu truyền, bảo tồn bền vững các thang âm, bởi sau khi đánh một mùa lễ hội, chiêng bị tác động mạnh sẽ sai âm và luôn cần chỉnh lại, nhưng chúng tôi đang lấp dần phần khó này. Tới đây, sau Kontum, Gia Lai là tỉnh tiếp theo đang tìm cách lập dự án để tập huấn cho các nghệ nhân của họ.

 

Còn rất nhiều loại hình âm nhạc truyền thống khác, từ cái nhìn của nhà nghiên cứu, theo anh, sự sai lệch như câu chuyện của ca trù và cồng chiêng có nhiều không? Hướng giải quyết có thể là gì?

Nguy hiểm nhất phải nói đến ca trù, bởi khuôn thước của lớp đào kép trẻ gần như sai hoàn toàn, nếu không lập lại trật tự công thức khổ đàn, khổ phách thì coi như chỉ bảo tồn hình thức, còn tinh hoa cốt lõi đã mất đi. Với hát chầu văn, thể loại này dường như đã biến thành một thứ nhạc khác, rất khó cứu, bởi các cung văn có sửa sai thì bà đồng cũng không nghe được lối chầu văn cổ. Xẩm thì đang “méo mó”, khá nhiều em đang bắt chước “bu Cầu” (cố Nghệ nhân dân gian Hà Thị Cầu – PV), hát mái mái cố bắt chước giọng bu tôi, nhưng đàn hát còn phô lắm. Nói chung, các bộ môn đều có vấn đề của mình, duy chỉ có tuồng, chèo, ca Huế, tài tử- cải lương là khá ổn vì hệ âm luật của các thể loại này bài bản, chắc chắn, hệ thống truyền dạy tốt.

Theo tôi, hướng giải quyết không có gì khó cả, với tri thức, thành tựu nghiên cứu và rất nhiều người tâm huyết sẵn sàng bắt tay vào, mọi hy vọng đều có thể. Tuy nhiên để làm đến nơi đến chốn, nhân rộng sẽ đối mặt với thử thách lớn, cần sự vào cuộc của các nhà quản lý vì đang không có kinh phí nhà nước cấp cho hạng mục này.

Theo Ngày Nay

Sau khóa học, thành quả bên cạnh việc truyền dạy chỉnh âm cho 14 nghệ nhân, chúng tôi đã giúp họ lấy lại được tiếng cho ba bộ cồng chiêng mới đúc, vốn “không kêu”, sai âm hoàn toàn, do huyện mua tặng. Đối với đồng bào, cồng chiêng quý giá lắm. Tiền bạc là một chuyện nhưng đó là vật thiêng của họ, khi mình chỉnh được cho đồng bào, sung sướng vô cùng.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *