Nhận biết ngay 4 dấu hiệu tuyển dụng lừa đảo phổ biến để tránh tiền mất tật mang!
Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, với mục tiêu trước mắt là kiếm thu nhập, người lao động, đặc biệt là sinh viên đều rất sốt sắng, mong kiếm được việc làm càng sớm càng tốt. Song hành với nhu cầu này, các công ty ma, cơ sở việc làm kém uy tín cũng ồ ạt ra đời và hoạt động với đa dạng chiêu trò cạnh tranh nhau, thậm chí là lừa đảo trái pháp luật với mục đích chính là “hút” người tìm việc đến với trung tâm của mình.
1. Phải đóng thêm tiền cọc khi xin việc
Một điển hình của lừa đảo này là nhập mã capcha. Một công ty dịch vụ công nghệ cao ở Hà Nội, văn phòng cơ sở vật chất khá nghèo nàn, chỉ có một bàn tiếp tân, vài bàn giấy và ghế nhựa. Phỏng vấn chỉ là dò hỏi một số thông tin không quan trọng.
Khi giới thiệu về công việc, người phỏng vấn nói: “Công việc chính là nhập mã, mỗi mã dài thường khoảng 5-10 ký tự, 95% là dễ nhìn còn 5% còn lại chỉ mang tính thử thách, phân hóa nhân viên giỏi khá. Cứ 1.000 mã công ty trả 15.000 đồng. Nghe có vẻ nhiều nhưng nếu em giỏi máy tính chỉ cần mất 30 phút là gõ được 1000 mã. Nếu em làm tích cực thì một ngày có thể kiếm được 100.000đ, thậm chí là hơn”. Ngoài ra còn có một số yêu cầu như trong vòng 2 tháng phải hoàn thành hơn 30.000.000 mã và công ty sẽ trả lại tiền đóng ban đầu, nếu không hoàn thành công ty không gửi lại tiền nhưng vẫn nhận được lương bình thường. Cuối cùng, người phỏng vấn yêu cầu nộp 200.000đ tiền phần mềm và in thẻ làm việc.
Mặc dù nghe khá hấp dẫn nhưng thực chất chỉ toàn là lừa đảo. Bởi việc gõ mã captcha rất khó vì vừa phải nhanh và vừa phải chính xác. Thời gian cho mỗi chuỗi ký tự này chỉ 15s, dù có tinh mắt đến mấy cũng không thể hoàn thành chính xác được. Nếu gõ sai nhiều tài khoản bị khóa, thì phải đóng thêm tiền.
Dấu hiệu nhận biết
Đây chính là dạng lừa đảo “Đóng tiền phí/ cọc khi đến xin việc”. Dấu hiệu nhận biết rất đơn giản. Bên tuyển dụng sẽ đòi hỏi bạn phải “nộp tiền đặt cọc”, “tiền hồ sơ” hay bất cứ khoản phí nào khác trước khi nhận vào làm việc. Họ thường nói rất hay như rót mật vào tai khiến sinh viên cảm thấy tin tưởng mà rút ví. Nhưng thông thường, những khoản tiền này sẽ một đi không trở lại. Bạn vừa mất tiền mà cũng chẳng có việc làm như lời hứa hẹn. Đa phần, sinh viên không có tiền nên mới đi làm thêm, đi làm thêm mà lại bắt đóng tiền thì chỉ có thể là… lừa đảo!
Tương tự, việc thu chứng minh nhân dân bản gốc hay bất cứ bản chính của một giấy tờ tùy thân khác cũng là một chiêu trò để “buộc chân” sinh viên. Vì thế, đừng bao giờ giao nộp bản gốc của giấy tờ tùy thân nào khi được yêu cầu.
2. Tuyển dụng lừa đảo việc nhẹ lương cao
Điển hình cho loại lừa đảo này là công việc phát tờ rơi. Đa số các trung tâm môi giới việc làm phát tờ rơi đều không có trụ sở hay thông tin tuyển dụng rõ ràng. Khi xin việc cũng không yêu cầu giấy tờ hay bằng cấp. Một cơ sở môi giới việc phát tờ rơi tại quận 10, TP.HCM đăng tin tuyển dụng với nội dung “Việc nhẹ lương cao cho sinh viên, chỉ việc phát tờ rơi tại các điểm đèn xanh đèn đỏ. 1 ngày có thể kiếm đến 500.000 đồng. Không cần bằng cấp, giấy tờ tùy thân.”
Với thông tin hấp dẫn như vậy, trong một ngày cơ sở đã thu hút rất nhiều sinh viên nhẹ dạ. Tất cả đều mong có được “việc nhẹ lương cao”. Nhưng khi đến mới ngả ngửa ra công việc thực sự không phải vậy. Bên trung tâm sẽ phát cho bạn 200 tờ rơi. Thông tin công ty trên tờ rơi cũng không hề rõ ràng. Mỗi địa điểm đèn giao thông bạn phải phát được 200 tờ rơi. Nhưng chỉ được phát trong 2 tiếng. Sẽ có người đi theo dõi để giám sát công việc của bạn. Nếu phát quá thời gian quy định sẽ bị trừ tiền. Sau đó, bạn phải trở về trung tâm lấy thêm 200 tờ và đến địa điểm khác để phát. Thời tiết nắng nôi khói bụi và phải di chuyển rất nhiều địa điểm trong một ngày thì liệu số tiền nhận được có đáng?
Dấu hiệu nhận biết
Những mẩu tin tuyển dụng lừa đảo này thường có nội dung chung chung như: “Cần tuyển nhân viên bán vé máy bay, nhân viên trực tổng đài điện thoại. Liên hệ SĐT…”, kèm theo đó là mức lương rất hấp dẫn. Không hề không có tên và địa chỉ công ty, không có thời hạn tuyển dụng cũng chẳng có yêu cầu rõ ràng về bằng cấp, kinh nghiệm… Tốt nhất là đừng tin vào bất kì tin tuyển dụng nào tại các cột điện hay trạm xe bus. Và đừng bao giờ nghĩ rằng trên đời này có “việc nhẹ lương cao”.
3. Nộp hồ sơ, phỏng vấn ở ngoài trụ sở công ty
Hiện nay, việc phỏng vấn ngoài công ty đang rất phổ biến, đặc biệt là với các công ty nước ngoài. Với văn hóa mở rộng , họ thường phỏng vấn tại các quán cafe giúp ứng viên cảm thấy thoải mái hơn. Tuy nhiên, rất nhiều công ty ma đã biến tấu văn hóa này thành trò lừa đảo.
Đối với dạng lừa đảo này, bạn sẽ được hẹn gặp phỏng vấn tại một nơi lạ hoắc chẳng liên quan gì đến công ty. Sau đó, chúng sẽ hiện nguyên hình và giở trò, đặc biệt là các sinh viên nữ.
Dấu hiệu nhận biết
Địa chỉ công ty một đằng nhưng lại hẹn đến phỏng vấn một nẻo. Rõ ràng, đây là tín hiệu mập mờ, mà đối tượng chính được hướng tới là những sinh viên ngây thơ, non nớt nhưng hừng hực quyết tâm kiếm tiền.
Do, đó, trước khi đến nộp hồ sơ, bạn hãy tìm hiểu thật kĩ về công việc, công ty tuyển dụng thông qua “chị google”. Nếu được mời phỏng vấn ngoài công ty, tốt nhất bạn nên đi cùng hoặc báo trước cho người thân biết về địa chỉ, thời gian.
4. Tuyển dụng lừa đảo thường dùng thủ đoạn từ ngon ngọt đến đe dọa
Chẳng bắt sinh viên phải đóng tiền, cũng chẳng yêu cầu nộp giấy tờ gốc, nhưng bên tuyển dụng lại có yêu cầu sinh viên ký hợp đồng với các điều khoản rất mập mờ, vô lý. Điển hình chính là đa cấp. Đã có rất nhiều cảnh báo về đa cấp, nhưng sinh viên vẫn cứ lao đầu vào, chính là bởi vì một phút chủ quan, mất cảnh giác.
Mánh khóe của đa cấp thường sẽ là, giả vờ tình cờ gặp bạn ở một nơi nào đó, hồ hởi nhiệt tình làm quen và giúp đỡ. Sau đó, sẽ xin số điện thoại hoặc facebook để tiện “sau này gặp nhau”. Đối với các bạn tân sinh viên nữ nhẹ dạ mà gặp phải những chàng “soái ca” như vậy càng dễ bị mắc lừa. Khi thời cơ đã chín muồi, chúng sẽ đưa bạn vào “sào huyệt”, “quay” bạn cả một ngày với những thông tin, hội thảo và sản phẩm đa cấp. Sau đó bắt buộc bạn phải kí hợp đồng và ràng buộc. Từ dụ dỗ ngon ngọt cho đến đe dọa, chúng dùng mọi thủ đoạn để “kết nạp” bạn vào đường dây.
Trường hợp này thuộc loại nguy hiểm nhất trong các dạng lừa đảo. Bởi với các trường hợp trên, khi bạn có lỡ nhẹ dạ cả tin thì vẫn có thể nhận biết và quay đầu lại. Nhưng đối với đa cấp, đây là cả một tổ chức lớn. Một khi bạn lỡ sa chân vào thì khó mà toàn vẹn thoát ra. Do đó, cách phòng tránh tốt nhất là cẩn thận với những lời dụ dỗ, hoặc những cử chỉ quá tốt từ người xa lạ.
Nguồn Vieclam24h
- Top 13 app ghi chú công việc cực tiện ích dành cho người bận rộn
- Công nghệ EKYC là gì? Sức mạnh của EKYC trong kinh doanh hiện đại
- Tạm biệt não cá vàng với 8 cách ghi nhớ nhanh để học tập và làm việc hiệu quả
- Phương pháp Pomodoro: Bí quyết hiệu quả tăng sự tập trung cho công việc !
- Feynman: Chiến thuật học chủ động chinh phục mọi lĩnh vực