Đừng biến drama công sở trở thành một nét văn hóa độc hại
Mỗi con người là một cá thể hoàn toàn khác biệt về tính cách, suy nghĩ, cảm xúc, cách giải quyết vấn đề… Ngay cả trong một mối quan hệ yêu đương chỉ có hai người, chúng ta đã phải xử lý những mâu thuẫn xuất phát từ nửa kia, thì khi làm việc trong một tập thể từ vài mươi đến vài trăm con người, chuyện xung đột là điều không thể nào tránh khỏi.
Tuy nhiên, từ sự khác biệt, đến bất đồng, đến xung đột và cuối cùng, biến tướng thành “drama công sở” là một quá trình có lựa chọn.
Bạn có thể không hợp với cá tính của anh A., không tán thành cách sống của chị B., thấy anh C. có hơi… lập dị theo góc nhìn của bạn. Tuy nhiên, khi quyết định bày tỏ quan điểm cá nhân và lôi kéo người khác đồng cảm, đứng về phía mình, bạn đã vô tình hoặc hữu ý trở thành “kẻ kiến tạo drama công sở”.
Bích Phượng (23 tuổi), “bước vào đời” bằng công việc marketing tại một tập đoàn khá có tiếng. Tháng đầu thử việc trôi qua với những buổi làm ngoài giờ tuy vất vả nhưng vui, các chị em cùng nhau trà sữa, ăn uống, bàn chuyện giày dép mỹ phẩm, giới thiệu nhau mấy quán hay ho… Cho đến một ngày quản lý gọi Phượng vào phòng để “chấn chỉnh thái độ làm việc”, bởi vì “chị nghe các bạn nói lại em luôn sẵn sàng trong các cuộc tám chuyện từ sáng tới tối, không thấy em tập trung làm việc gì cả”. Kể từ đó, Phượng không còn vui như trước nữa…
Cuộc chiến drama công sở không phải của bạn, hãy tránh xa
Nếu nói như vậy, có lẽ nào, mỗi sáng đi làm bạn đều phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để chịu đựng drama như một phần không thể thiếu của cuộc sống công sở? Không! Bạn hoàn toàn có thể lựa chọn một thái độ và cách giải quyết khác để bản thân không bị kéo vào cuộc chiến không hồi kết của các “kẻ kiến tạo drama công sở”.
Đầu tiên, hãy giữ một cái đầu lạnh để phân biệt giữa những “mồi lửa” cố tình tạo drama với những lời đùa vô hại. Chắc hẳn trong cuộc sống bạn đã gặp vài người thích bông đùa, hoặc chỉ đơn thuần là họ không đủ tinh tế để đùa một cách khéo léo hơn. Với những lời đùa vô hại, bạn có thể cười trừ cho qua. Nhưng nếu gặp những kẻ cố tình châm lửa, cứ thẳng thắn hồi đáp một cách lịch sự nếu bạn không thích nghe hoặc không muốn tiếp tay cho drama lan xa.
Quyên Phạm (29 tuổi), sau 7 năm lăn lộn chốn văn phòng giờ đây đã trở thành một “bậc thầy né drama”. Quyên chia sẻ, “bí quyết của mình là không chia bè kết phái, không đặt điều nói xấu, không tham gia vào những cuộc bà tám toxic và luôn kiểm chứng, chọn lọc thông tin trước khi truyền tải tới những người xung quanh.” Bên cạnh đó, dù cũng thỉnh thoảng được nghe kể một tin đồn không đúng về mình, Quyên nghĩ “ai cũng có thể trở thành kẻ xấu trong câu chuyện của người khác”, vậy nên, bạn không quá quan tâm.
Tựu trung, trong một tập thể, mâu thuẫn và tranh luận là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, hãy thẳng thắn, góp ý với người khác một cách chuyên nghiệp chứ đừng biến những mâu thuẫn đơn thuần trong công việc trở thành cơ hội để phát sinh drama. Chúng ta đi làm là để vui vẻ, tạo ra giá trị cho bản thân và công ty chứ không phải để dìm nhau xuống bằng một môi trường toxic, tràn ngập drama.
Và nếu bạn là mục tiêu của một tin đồn vô căn cứ nào đó, chỉ cần mặc kệ tin đồn và giữ thái độ chuyên nghiệp trong lúc làm việc để gửi đến những “kẻ kiến tạo drama công sở” một thông điệp: “Tôi không tham gia, không hồi đáp sự drama của bạn không phải vì tôi sợ bạn, mà vì tôi đang bận làm việc và cố gắng tốt hơn mỗi ngày!”
Chúng ta đi làm là để vui vẻ, tạo ra giá trị cho bản thân và công ty chứ không phải để dìm nhau xuống bằng một môi trường toxic, tràn ngập drama.
Nguồn Vieclam24h
- Top 13 app ghi chú công việc cực tiện ích dành cho người bận rộn
- Công nghệ EKYC là gì? Sức mạnh của EKYC trong kinh doanh hiện đại
- Tạm biệt não cá vàng với 8 cách ghi nhớ nhanh để học tập và làm việc hiệu quả
- Phương pháp Pomodoro: Bí quyết hiệu quả tăng sự tập trung cho công việc !
- Feynman: Chiến thuật học chủ động chinh phục mọi lĩnh vực