Làm sao thoát khỏi trạng thái decision fatigue khi phải đưa ra quyết định?

Liệu bạn có thể nhớ được mình đã đưa ra bao nhiêu quyết định trong một ngày không? Sự thật là chúng ta thường phải đối mặt với rất nhiều lựa chọn mỗi ngày, từ buổi trưa ăn gì cho đến những quyết định quan trọng hơn liên quan đến sức khỏe, tài chính, công việc hay tình cảm. Dù có mạnh mẽ đến nhường nào thì khả năng đưa ra những lựa chọn tốt nhất của bạn cũng đến lúc “tắt đèn” vì mệt mỏi và kiệt sức hay còn gọi là decision fatigue.

Decision fatigue là gì?
decision fatigue

Thuật ngữ “decision fatigue” đề cập đến trạng thái suy giảm khả năng quyết định, đưa ra những lựa chọn không tốt hay thậm chí là không thể lựa chọn. Tình trạng này được cho là kết quả của hành động ra quyết định lặp đi lặp lại. 

Hãy nghĩ về số lượng quyết định bạn cần đưa ra chỉ trong một ngày. Buổi sáng phải thức dậy lúc mấy giờ, mặc trang phục nào, ăn sáng món gì, có nên mua một ly cafe không?… 

Đương nhiên đây chỉ là những quyết định ở mức cơ bản. Một số lựa chọn khó khăn hơn có thể kể đến như nên chấp nhận hay từ chối lời mời làm việc vừa nhận được, có nên tăng thêm ngân sách cho chiến dịch quảng cáo không, phải chọn phương án của agency nào đây?…

Trên thực tế, ước tính chúng ta đưa ra khoảng 35.000 quyết định mỗi ngày. Một số quyết định mang tính ép buộc, một số được cân nhắc kỹ càng, thậm chí có những quyết định được ra trong vô thức.

decision fatigue
Khoa học lý giải như thế nào về decision fatigue?

Decision fatigue diễn ra rất đa dạng. Người này mệt mỏi khi phải quyết định các sự kiện quan trọng như đám cưới, chuyển nhà, nghỉ việc, tìm việc mới… Trong khi người kia lại cảm thấy mệt mỏi với những tình huống lựa chọn nhỏ nhặt hàng ngày. Mặc dù chưa có giải thích cụ thể và chính thức về vấn đề này nhưng có một số bằng chứng khoa học lý giải lý do tại sao bộ não con người lại mệt mỏi khi đưa ra quyết định. Vào cuối những năm 90, Tiến sĩ Roy F.Baumeister đã đưa ra một thuyết gọi là “ego depletion” (sự suy giảm bản ngã). 

Về cơ bản, lý thuyết này cho rằng con người có sự độc lập và tự do ý chí để đưa ra lựa chọn cho bản thân. Nhưng chúng ta lại gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa những lựa chọn có trách nhiệm hơn với những quyết định đáp ứng nhu cầu cấp thiết ngay ở thời điểm hiện tại. Ví dụ bạn cảm thấy đói vào nửa đêm, trong tủ lạnh còn một ít bánh kem và trái cây. Việc đưa lựa chọn tưởng chừng như đơn giản này hóa ra lại là một quá trình phức tạp khi phải cân nhắc đủ thứ. Chẳng hạn như ‘thôi không ăn đâu, ăn khuya hại lắm nhưng mà đói quá, quyết định ăn trái cây tạm vậy, ôi không nhưng mình thích ăn bánh kem, ăn bánh kem vẫn no hơn mà trái cây lại tốt hơn…”

Theo đó, điều này sẽ làm cạn kiệt năng lượng của chúng ta và gây ra sự suy giảm của chức năng điều hành nằm ở vỏ não trước trán. Vì hoạt động với giả định rằng sức mạnh ý chí là có hạn nên các quyết định của chúng ta cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên một số công bố của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ lại phản đối lý thuyết này và cho rằng “ego depletion” chỉ xuất hiện ở những đối tượng tin rằng sức mạnh ý chí là nguồn lực có hạn.

decision fatigue
Nguyên nhân

Dù khoa học chưa có những lý giải xác đáng nhưng chúng ta đều biết tình trạng mệt mỏi khi quyết định là có thật. Một số lý do gây ra tình trạng này như:

– Căng thẳng: căng thẳng có tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, thể chất, cảm xúc. Và “combo” căng thẳng cộng với việc phải đưa ra hết quyết định này đến quyết định khác là điều kiện thuận lợi để sự mệt mỏi ập đến và đánh gục bạn. Do đó, nếu tình trạng sức khỏe tinh thần kém có thể làm sai lệch khả năng ra quyết định của bạn.

– Quyết định của bạn có ảnh hưởng đến người khác: những người ở đây có thể là gia đình, đồng nghiệp, nhân viên, bạn bè… Khi đó bạn sẽ cảm thấy áp lực hơn và việc đưa ra lựa chọn vì vậy cũng trở nên khó khăn.

– Khi bạn không có đủ thông tin để đưa ra lựa chọn: đối mặt với sự không chắc chắn rằng lựa chọn của mình sẽ gây ra hậu quả gì quả là một thử thách.

– Bạn có xu hướng cầu toàn: khi bạn đặt ra sự hoàn hảo cho mọi thứ, bộ não của bạn sẽ suy nghĩ thật thấu đáo, chính điều này gây ra sự mệt mỏi và kiệt sức.

decision fatigue
6 dấu hiệu chứng tỏ bạn đang rơi vào trạng thái decision fatigue

Sau đây là những dấu hiệu thường thấy của việc mệt mỏi khi đưa ra quyết định:

– Thiếu tập trung: hãy để ý mỗi khi cần phải lựa chọn, bạn có cảm thấy mình không tập trung vào việc đó không? Hay bạn dễ bị phân tâm bởi những việc khác và tránh không tập trung vào các quyết định?

– Trì hoãn: việc buộc phải quyết định cũng có thể mang lại cảm giác sợ hãi nên bạn lựa chọn trì hoãn. Ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, cuối cùng chúng rơi xuống đáy của danh sách các công việc phải làm. Trì hoãn việc đưa ra quyết định là một trong những phản ứng phổ biến nhất khi một người gặp phải tình trạng decision fatigue.

– Hành vi bốc đồng: nếu phải đưa ra quá nhiều quyết định, bạn sẽ thấy mình không còn cân nhắc kỹ càng như ban đầu. Đặc biệt là khi đang kiệt sức, bạn dễ đưa ra những lựa chọn đột ngột hoặc thiếu tự chủ.

– Cảm thấy choáng ngợp: đây là dấu hiệu dễ nhận biết của decision fatigue. Hiện tượng này còn được gọi là sương mù não (brain fog). Khi đó bạn sẽ cảm thấy mình không thể đưa ra bất kỳ một lựa chọn nào nữa. Và tùy ý đưa ra một lựa chọn mặc định thay vì thực sự quyết định.

– Dành quá nhiều thời gian để đưa ra quyết định, đặc biệt là trong những vấn đề nhỏ nhặt.

– Không hài lòng với những quyết định mình đưa ra: nếu bạn đã lựa chọn nhưng vài giờ sau bạn vẫn ngẫm nghĩ và thắc mắc về quyết định của mình thì rất có thể là biểu hiện của decision fatigue.

decision fatigue
Làm thế nào để vượt qua sự mệt mỏi khi phải đưa ra quyết định?

Đưa ra những lựa chọn đúng đắn là một phần quan trọng trong cuộc sống. Và để làm được điều này, bạn cần vượt qua tình trạng decision fatigue. Dưới đây là những cách giúp đối mặt và biến việc lựa chọn không còn là nỗi ám ảnh:

Giảm số lượng quyết định bạn phải đưa ra

Chắc hẳn bạn đã từng nghe qua câu chuyện về Steve Jobs, Barack Obama hay mặc những trang phục cơ bản giống nhau mỗi ngày. Lý do của hành động này là không cần phải suy nghĩ về việc mình mặc gì sẽ giúp bạn bớt phải đưa ra quyết định hơn. Do đó bạn nên xem xét lại cuộc sống của mình và tinh giản bớt những vấn đề nhỏ nhặt để bớt lãng phí thời gian, năng lượng vào việc lựa chọn chúng. Từ đó, bạn sẽ tập trung và đầu tư hơn vào những việc quan trọng nhất. Hãy để một số thứ vận hành tự động đồng thời cho bản thân có phần “khiếm khuyết” khi không lấy sự hoàn hảo làm tiêu chuẩn của mọi thứ trong cuộc sống.

Ủy quyền quyết định

Bên cạnh việc tự quyết định, bạn cũng có thể “chuyển” bớt phần việc này cho người khác. Chẳng hạn để bạn bè chọn địa điểm tụ tập cho cuộc hẹn. Hoặc bạn là quản lý nên việc đưa ra quyết định khá thường xuyên nhưng cũng có những việc không quá quan trọng mà bạn có thể ủy quyền cho nhân viên thực hiện. Hành động này có thể làm giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi và giải phóng gánh nặng tinh thần của bạn.

decision fatigue
Chăm sóc sức khỏe

Những quyết định đúng đắn thường được đưa ra khi bạn ở trạng thái sức khỏe tốt nhất. Ngoài ra, sức khỏe cũng có tác động đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống. Do đó, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần là rất quan trọng. Chẳng hạn như ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên… 

Dành thời gian nghỉ ngơi

Cuộc sống có thể trở nên bận rộn đến mức đôi khi bạn quên cho bộ não cơ hội nghỉ ngơi và ngắt kết nối với mọi thứ. Sự thật là bạn cần thời gian tạm thời không suy nghĩ, phân tích bất kỳ điều gì và cũng không phải ra quyết định. Do đó, đừng quên dành thời gian nghỉ ngơi thường xuyên trong ngày, dù là đi dạo sau buổi tối, xem tivi hay nghe nhạc cũng có thể giúp bộ não luôn tràn đầy năng lượng và sẵn sàng đối mặt với những lựa chọn khó khăn.

decision fatigue

Bên cạnh những giải pháp trên, bạn cũng có thể lập danh sách các công việc ưu tiên hay đưa ra quyết định vào buổi sáng để tăng chất lượng của mỗi lựa chọn. Decision fatigue không phải là tình trạng hiếm thấy và bất kỳ ai cũng có thể gặp phải. Suy cho cùng cách tốt nhất để hạn chế vấn đề này là có sự cân bằng trong cuộc sống, hiểu bản thân cần gì, muốn gì và can đảm dấn thân ở mỗi lựa chọn của mình.

Nguồn Vieclam24h

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *