Hình thức giáo dục nào cũng có ưu và nhược điểm
Việc không cho trẻ đến trường mà phụ huynh tự dạy con tại nhà có thể còn mới và ít gia đình ở Việt Nam áp dụng nhưng tại Mỹ thì khá phổ biến, nó có tên gọi là home schooling.
TS Nguyễn Kim Dung – Ảnh: Đ.T.DUY |
Ở Mỹ, home schooling thường diễn ra ở những gia đình có điều kiện, phụ huynh có trình độ văn hóa cao hoặc hiểu biết rộng, họ cho rằng chính họ trực tiếp dạy con mình thì tốt hơn các thầy cô. Home schooling cũng có thể do các phụ huynh thường xuyên đi công tác mà phải mang các con của mình theo.
Luật pháp ở Mỹ cho phép, công nhận và có những hoạt động hỗ trợ home schooling như cung cấp chương trình cho phụ huynh tự dạy con, cho thêm bài tập để học sinh tự làm ở nhà, hoặc có những chủ đề phụ huynh không tự dạy con được thì lại cho trẻ đến trường học riêng chủ đề ấy…
Vì luật pháp công nhận home schooling nên quy định của họ về thi cử cũng rất thoáng: học sinh được tự do đăng ký và đóng tiền để tham dự những kỳ kiểm tra cuối cấp mà không cần bằng cấp (hay chứng chỉ, học bạ) của cấp dưới.
Ở Mỹ, nhiều học sinh học theo hình thức home schooling đạt thành tích rất cao, thậm chí cao hơn cả một số bạn cùng trang lứa có đến trường. Hầu hết học sinh tự học ở nhà có tinh thần tự giác cao. Mà như mọi người biết đấy: khả năng tự giác là chìa khóa của thành công.
Mô hình học tập nào cũng có ưu điểm và nhược điểm. Thực tế đã có nhiều phụ huynh giỏi, có thời gian và điều kiện để tìm hiểu và thực hiện nhiều nội dung giảng dạy đa dạng, phong phú, giúp con mình tiếp thu được nhiều kiến thức tốt. Họ rất tâm lý và có cách cư xử chuẩn mực đối với con cái.
Tuy nhiên khi ra cuộc sống thực tế không phải người nào cũng lý tưởng như cha mẹ, anh em mình nên trẻ dễ bị sốc. Còn nếu học ở trường, trẻ sẽ được tiếp xúc với nhiều bạn khác nhau: có bạn giỏi, bạn dở, bạn tốt, bạn chưa tốt; ngay cả giáo viên cũng có nhiều tính cách và cách ứng xử khác nhau.
Vì vậy, tôi lo ngại rằng trẻ tự học ở nhà nếu không khéo sẽ không biết cách ứng xử (hoặc ứng xử kém) với nhiều tình huống khác nhau, trong cách giao tiếp với những con người khác nhau. Ngoài ra, trẻ cũng sẽ không có cơ hội học tập, thi đua, vui chơi, giao tiếp… với bạn đồng trang lứa nên rất có thể thiếu một số kỹ năng cần thiết như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng hợp tác…
Tuy nhiên, nếu phụ huynh nhận ra và bổ sung những kỹ năng trên bằng cách cho trẻ học kiến thức ở nhà, song song đó trẻ học những kỹ năng cần thiết khác ở trường, trung tâm thì vẫn ổn.
Home schooling có ở Việt Nam?
Đến thời điểm này, luật pháp nước ta vẫn chưa công nhận mô hình home schooling mặc dù nó cũng đang dần dần manh nha. Theo tôi, hiện home schooling ở Việt Nam có nhiều hình thức khác nhau. Hình thức thứ nhất: trẻ không đến trường học chính khóa mà phụ huynh tự dạy con ở nhà (trong trường hợp này, trẻ đã được định hướng không tham gia thi để lấy bằng do Bộ GD-ĐT Việt Nam cấp hoặc công nhận). Hình thức thứ hai: trẻ vẫn đi học một buổi ở trường chính khóa, buổi còn lại đến trung tâm (tôi được biết trung tâm hoặc trường ngoại khóa này do một nhóm phụ huynh có cùng quan điểm giáo dục, tự mở trung tâm để bổ sung kiến thức, kỹ năng cho con em mình). Hình thức thứ 3: trẻ vẫn có tên trong trường chính khóa, nhưng không học mà hoàn toàn học ở nhà do phụ huynh hướng dẫn. |
“Thực tế đã có nhiều phụ huynh giỏi, có thời gian và điều kiện để tìm hiểu và thực hiện nhiều nội dung giảng dạy đa dạng, phong phú, giúp con mình tiếp thu được nhiều kiến thức tốt. Họ rất tâm lý và có cách cư xử chuẩn mực đối với con cái” |
TS Nguyễn Kim Dung |
Nguồn Tuoitre.